MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiến binh áo trắng Chợ Rẫy đang tích cực tham gia chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong nhận hoa từ bệnh nhân. Ảnh: Trân Thanh

Bác sĩ Chợ Rẫy hoãn đám cưới, quyết "giải phóng" Đà Nẵng khỏi COVID-19

THUỲ Trang LDO | 17/08/2020 07:30

Có mặt ở tâm dịch Đà Nẵng từ những ngày đầu tiên, giữa lúc những đồng nghiệp ở 3 bệnh viện cách ly, những chiến binh áo trắng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã bước vào những phòng bệnh nặng, nỗ lực cứu sống từng người bệnh. Hành trang của họ mang theo chỉ là một bộ quần áo nhưng họ đã và đang chiến đấu bằng mọi vũ khí. Để đợi ngày “giải phóng Đà Nẵng”, họ mới thoả lòng về với gia đình.


Bác sĩ lau bàn, quét dọn đến tập thở cho bệnh nhân

Ngày 16.8, bệnh nhân đặc biệt 582 tại Đà Nẵng vừa được công bố đã thoát khỏi COVID-19. Từ một người bị tổn thương phổi nặng, suy tim, suy gan vậy mà nay, bệnh nhân đã có thể tặng hoa, viết thư cám ơn y bác sĩ.

Vui mừng, thế nhưng, kể về quá trình điều trị, bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó trưởng khoa hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục hướng mắt về phía đồng nghiệp của mình như chia sẻ cả niềm vui và những khó khăn mà họ đã và đang trải qua.

 Y bác sĩ chăm sóc và theo dõi từng diễn biến của bệnh nhân. Ảnh: Trần Thanh

Để thiết lập khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, từ điều dưỡng đến bác sĩ của mọi đơn vị được cử đến đã “lăn” vào lau từng chiếc bàn, quét dọn sạch khoa phòng. Họ chỉ có một ngày thiết lập mọi thứ để nhận người bệnh ngay.

Phải xa gia đình vào Đà Nẵng chống dịch, thế nhưng các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chưa bao giờ nhắc nhiều đến nỗi nhớ nhà hay sự mệt nhọc.

Bác sĩ Trần Hữu Chinh, sinh năm 1991, khoa Hồi sức tim, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Mỗi ngày chúng tôi đều tập thở cho bệnh nhân, đây là công việc có bác sĩ vật lý trị liệu nhưng trong điều kiện hiện tại, chúng tôi cũng phải kiêm luôn mọi thứ”.

Hay như lúc bệnh nhân đã dần hồi phục, cần phải chuyển qua khu vực khác để tránh lây nhiễm chéo, bác sĩ Linh chỉ vào bức ảnh kể: “Không có thang máy, chúng tôi phải khiêng bệnh nhân trên cáng để đưa lên lầu. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề của chúng tôi. Giống như đang ở chiến trường, có vũ khí gì trong tay chúng tôi đều chiến đấu, làm sao mang lại thắng lợi là được”.

“Đà Nẵng giải phóng” thì hy sinh nào cũng xứng đáng

Ngày công bố bệnh nhân thoát COVID-19, thoát cửa tử, các y bác sĩ như được tiếp thêm động lực và có chút thời gian chia sẻ với báo chí.

Bác sĩ hồi sức tim Trần Hữu Chinh cười hiền kể, khi bước vào tâm dịch đã gác lại đám cưới của mình. “Mọi lời hẹn bây giờ với người yêu chỉ có thể nói là đợi sau khi dịch bệnh được đẩy lùi mới tính tiếp. Bởi chẳng ai biết trước được điều gì, chưa biết cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu” – anh Chinh chia sẻ.

Trong khi đó, bác sĩ Linh đã nhiều tháng nay liên tục xa gia đình để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, anh phải tự cách ly rồi nay là ra với các đồng nghiệp ở Đà Nẵng.

 Bác sĩ Trần Thanh Linh mang theo hành trang chỉ một bộ quần áo vào tâm dịch và chưa biết ngày về. Ảnh: Thuỳ Trang

Vậy nhưng, nhắc về người thân, mái ấm của mình, anh Linh nói: “Nếu sự hy sinh đó của chúng tôi có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân, giúp Đà Nẵng chống dịch thành công, mang lại sự yên tâm cho cộng đồng thì chúng tôi cũng thoả lòng”.

Ngày nhận lệnh công tác đi Đà Nẵng, anh Linh kể, hành trang mà họ mang theo chỉ có một bộ đồ và trong đầu chỉ nghĩ có một ca bệnh 416 đang đợi mình. Thế nhưng sau đó, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nặng được công bố buộc họ phải đối diện với trăm nghìn khó khăn.

Vì vậy, niềm vui khi một bệnh nhân khỏi COVID-19 với anh Linh vẫn chưa được trọn vẹn bởi có những bệnh nhân đã tử vong. Đó là sự đau xót của những người làm y tế.

"Mỗi ngày đón nhận tin bệnh nhân qua đời như những nhát dao đâm vào lòng. Chúng tôi cũng muốn gửi lời chia buồn đến những người thân mắc COVID-19 mà chúng tôi không cứu được. Mặc dù đã nỗ lực nhưng với bệnh lý nền và COVID-19 như giọt nước tràn ly. Chúng tôi đã có những giây phút lực bất tòng tâm. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi nản lòng.

 Nhân viên y tế từ khắp nơi đổ về Đà Nẵng trong đó có những y bác sĩ Chợ Rẫy đã đặt quyết tâm "giải phóng Đà Nẵng' khỏi dịch COVID-19. Ảnh: Thuỳ Trang

Chúng tôi xoa dịu nỗi đau của mình bằng cách nỗ lực mỗi ngày. Những ngày tiếp theo, chúng tôi sẽ cùng tất cả các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Bạch Mai và tất cả nhân viên y tế đang có mặt tại Đà Nẵng sẽ cố gắng cứu sống thật nhiều, thật nhiều bệnh nhân”.

Sau lời chia sẻ, bác sĩ Trần Thanh Linh xin phép theo các đồng nghiệp về khoa. Nhiều anh em phóng viên tại Đà Nẵng cúi người chào, kính trọng và tri ân một chiến binh Chợ Rẫy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn