MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có khả năng phải lấp đất bãi cọc vừa được khai quật tại Cánh đồng Cao Quỳ , Hải Phòng để bảo quản hiện vật - ảnh HH

Bãi cọc Bạch Đằng gần ngàn năm tuổi sẽ được lấp đất lại để bảo quản?

Mai Chi LDO | 21/12/2019 18:06
Vì các cọc gỗ Bạch Đằng mới tìm thấy tại Hải Phòng có niên đại gần ngàn năm tuổi, vốn chôn sâu trong lòng đất, nay được khai quật lộ thiên, rất dễ biến dạng, nên có thể lại được lấp đất để bảo quản. 

 Tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng sáng ngày 21.12, TS.Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng cục di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) cho rằng: Việc phát hiện được bãi cọc có ý nghĩa rất quan trọng. “Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi thấy lần đầu tiên việc phát hiện khảo cổ học được tổ chức nhanh chóng như vậy. Về cơ bản, chúng tôi thống nhất với các ý kiến của các nhà khoa học, bãi cọc này gắn với trận chiến Bạch Đằng là khá rõ ràng” – Ông Thành nói.

Theo TS. Trần Đình Thành, mặc dù có nhiều nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, nhưng những hiện vật liên quan đến chiến trận Bạch Đằng không nhiều. Vì vậy, việc phát hiện bãi cọc lần này thực sự rất có ý nghĩa rất lớn, nhưng cũng cần nghiên cứu tổng thể mối liên kết theo chuỗi từ khu vực Bạch Đằng lên đến khu vực Vạn Kiếp (Hải Dương). Do đó, yếu tố tổng thể mới là quan trọng, nên cần phải khai quật ở các vị trí có dấu hiệu bãi cọc hoặc hiện vật khác để xây dựng lại tổng thể chiến trận Bạch Đằng.

Việc khai quật được bãi cọc tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) làm thay đổi nhận thức về chiến trận Bạch Đằng 1288
 Theo TS. Trần Đình Thành, về mặt bảo tồn, ví dụ tiêu biểu như bãi cọc được tìm thấy bên Quảng Yên (Quảng Ninh) hay đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu vua bà… có liên quan đến trận Bạch Đằng, nhưng do tính rời rạc nên chưa thu hút được sự quan tâm của nhân dân.

Do đó, ông Thành cho rằng, Sở Văn hóa thể thao Hải Phòng cần kiểm kê ngay di tích vừa khai quật. Khu vực khai quật mới có gần 1.000 m2, so với bãi cọc khác còn nhỏ bé, nên cần phải làm rõ quy mô của di tích này. Ngoài việc kiểm kê di tích, chính quyền địa phương cũng cần chuyển đất ruộng khu vực trên thành đất di sản để bảo tồn di tích được thuận lợi.

Theo TS. Trần Đình Thành, từ một số bài học tại các địa phương khác, việc tìm được và sau đó bảo tồn các hiện vật lịch sử là rất khó khăn. Hải Phòng cần phải có biện pháp ngay khi chưa phát huy được di tích, thì cần phải lấp đất lên các cọc gỗ này để bảo quản, tránh việc mưa nắng làm hỏng, hoặc biến dạng các cọc gỗ được tìm thấy.

“Vì kinh nghiệm cho thấy, cọc gỗ được chôn dưới nước, đất, thời gian lên đến gần ngàn năm, nay đưa lên mặt đất, rất dễ bị hư hỏng, biến dạng, nên cần phải bảo tồn gấp. Cục Di sản văn hóa sẽ phối hợp chặt chẽ để có thể có hình thức bảo tồn phù hợp” – ông Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn