MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sáng 20.2, các đơn vị tích cực tiến hành khai quật, bảo quản tạm thời cây cọc đã lộ ra. Ảnh MD

Bãi cọc mới phát lộ liên quan đến trận chiến nào trên sông Bạch Đằng?

Mai Dung LDO | 20/02/2020 15:02

Liên quan đến phát lộ bãi cọc mới tại khu vực Đầm Thượng (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), Tiến sĩ Lê Thị Liên, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu dưới nước, Viện Khảo cổ học có nhận định ban đầu về bãi cọc này.

Sáng 20.2, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khai quật khẩn cấp bãi cọc Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên theo quyết định của UBND TP.Hải Phòng.

Các đơn vị tiến hành bơm bùn khỏi ao cá, đào hố cọc để phục vụ nghiên cứu.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu dưới nước, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), trước Tết nguyên đán Canh Tý, Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát, xác định khu vực Đầm Thượng có xuất hiện nhiều cọc gỗ có thể liên quan đến trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Đến đầu tháng 2.2020, nhận được tin báo của anh Đoàn Văn Đến về việc các cọc gỗ xuất lộ sau khi gia đình bơm ao cá, chúng tôi tiếp tục tiến hành khảo sát tại đây và có đề xuất tới thành phố về việc khai quật khẩn cấp.

Vị trí phát hiện cọc gỗ được đánh dấu. Ảnh MD

"Việc khai quật khẩn cấp là việc làm rất cần thiết vì khu vực phát hiện cọc là ao cá của gia đình ông Đến. Nếu để gia đình tiếp tục thả cá thì có thể sẽ ảnh hưởng đến cọc. Vì vậy, công tác khai quật sau khi có chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng sẽ được tiến hành khẩn trương để có nhận định khoa học về bãi cọc cũng như có phương án bảo quản kịp thời" - Tiến sĩ Lê Thị Liên.

Về phương án khai quật, theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, trước mắt, các đơn vị tiến hành làm sạch về mặt ao, xác định những cọc đã lộ ra. Sau đó, tiến hành kiểm tra một số cọc để nghiên cứu cách đóng, cách bố trí cọc. Cùng với đó, khảo sát rộng hơn, thu thập thông tin của bà con để biết phạm vi cọc được phát hiện.

Cọc gỗ được bọc vải để bảo quản khỏi tác động môi trường.

Viện Khảo cổ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu về lịch sử, địa chất, địa hình, địa mạo để hiểu thêm về địa hình cổ ở đây; phân tích mẫu; so sánh với những bãi cọc đã phát hiện để xác định quá trình hình thành bãi cọc.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, qua khảo cổ học, qua sử liệu cũng như sơ bộ về địa hình, chúng tôi cho rằng các khu vực này nằm trong phạm vi chiến trường rộng lớn của kháng chiến chống quân Nguyên Mông mà cụ thể nhất là năm 1288. Bởi lẽ sử liệu nhắc đến những trận đánh ở Trúc Động, việc đoàn thủy quân Nguyên khi rút về bị đánh liên tiếp từ Kiếp Bạc cho đến Trúc Động trong nhiều ngày. "Những cuộc tấn công ấy diễn ra ở những đâu, diễn ra như thế nào, chúng tôi hi vọng kết quả cuộc khai quật tại bãi cọc Đầm Thượng giúp trả lời câu hỏi đó" - Tiến sĩ Lê Thị Liên cho biết.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, môi trường hiện tại thích hợp bảo quản cọc gỗ sau khi hoàn tất công tác khai quật.

Về một số ý kiến, quan điểm bãi cọc Đầm Thượng có thể liên quan đến trận đánh của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, điều này cần phải nhìn nhận theo nhiều góc độ khác. Như việc địa hình cổ nơi đây có phải cửa biển không, các dấu tích về mặt niên đại, cách thức đóng và bố trí cọc có gì khác. Bởi vậy, thời điểm này, chưa thể đưa kết luận vội vàng về nguồn gốc của bãi cọc.

Trao đổi về việc bảo quản bãi cọc sau khi có kết luận chính thức, theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, môi trường hiện nay của bãi cọc tương đối tốt khi bãi cọc nằm sẵn trong ao cá. Thời gian tới, nếu duy trì được môi trường như hiện tại sẽ rất thuận lợi cho việc bảo quản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn