MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội nghiên cứu đưa bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên.

Bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên: Người mừng, người lo

Dương Diễm Quỳnh - Nguyễn Long LDO | 21/03/2022 12:31

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng.

Theo kế hoạch của UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra, việc phát triển bãi giữa sông Hồng nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Trong đó, công viên văn hóa du lịch sẽ dự kiến khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng. 

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó, có một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Có tiềm năng phát triển du lịch

Đã nghiên cứu và phát triển du lịch bãi giữa sông Hồng được 4 năm, anh Trần Đức Việt (hướng dẫn viên du lịch) cho hay, khu vực bãi giữa có ba nhóm người sinh sống chủ yếu là người không có nhà, sống trên thuyền; người dân làm nông nghiệp; người khai thác du lịch. Ở đây không có điện lưới quốc gia và gần như là hoang sơ, không được khai thác làm nơi ở nhiều.

Anh Trần Đức Việt - hướng dẫn viên du lịch. 

Theo anh Việt, khu vực bãi giữa mới được khai thác du lịch cách đây không lâu, chỉ khoảng 3-5 năm với các dịch vụ như cho thuê địa điểm để tổ chức cắm trại, chụp ảnh; đi xe đạp trải nghiệm du lịch xanh, học các khoá hướng đạo sinh kỹ năng sống ngắn ngày như chèo thuyền, bơi, trồng rau và các dịch vụ ăn uống phục vụ du lịch khác.

Qua nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh Việt nhận thấy người nước ngoài đến Việt Nam rất thích khung cảnh mộc mạc hoang sơ kết hợp với du lịch xanh và trải nghiệm không gian sống ngoài trời.

 Hiện nay, khu vực bãi giữa chủ yếu là đất canh tác được các hộ dân dùng trồng rau và cây ăn quả.

"Ở bãi giữa có thể chia thành 2 phần là phần Bắc và phần Nam. Ở phần Nam gần với khu vực cầu Long Biên, còn phần Bắc gần với cầu Nhật Tân. Tiềm năng khai thác du lịch ở bãi giữa thường được gắn với các câu chuyện Cầu Long Biên và lịch sử của nó, chuyện những người dân trồng rau và cách họ tiêu thụ, khu làng nổi và những trải nghiệm không thể tìm thấy ở nơi khác", anh Trần Đức Việt cho hay.

Đối với những người làm du lịch như anh Việt, họ mong rằng nơi này vẫn sẽ giữ được vẻ hoang sơ, không bị khai thác quá nhiều để biến đây thành một nơi thu hút khách du lịch theo hướng du lịch xanh, giữ gìn được không gian yên bình để du khách đến đây có thể có những trải nghiệm về văn hoá lao động như làm nông, đánh bắt cá, chứ không phải theo hướng khu nghỉ dưỡng.

Người mừng, người lo

Hiện nhiều hộ gia đình vẫn chọn cách làm nông để mưu sinh ở bãi giữa.

Bà Trần Thị Mai (62 tuổi, một chủ vườn thuộc khu vực bãi giữa) cho hay, sau khi nghe thông tin khu vực bãi giữa sẽ phát triển không gian văn hóa, du lịch, bà rất phấn khởi. Bà mong khi được đầu tư phát triển du lịch, khu vực bãi giữa sẽ được lắp điện, không phải dùng điện năng lượng mặt trời nữa, thuận tiện hơn cho việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân nơi đây. 

Tuy nhiên, trước thông tin này, nhiều hộ gia đình tại khu xóm nổi ngụ cư lại cảm thấy lo lắng nhiều hơn là mừng.

Nằm trong khu vực bãi giữa sông Hồng, xóm Phao hiện có hơn 30 hộ gia đình sinh sống. 

Gia đình chị Trang nằm trong khu vực xóm Phao, hiện gia đình chị mưu sinh bằng nghề lao động chân tay. Trước thông tin khu vực bãi giữa dự định phát triển thành công viên, chị Trang bày tỏ sự lo lắng, bởi những người dân bãi giữa sẽ chẳng còn nơi ở nếu khu vực bãi giữa được quy hoạch.

Mặc dù sẽ ủng hộ việc phát triển bãi giữa nhưng chị cũng mong muốn chính quyền địa phương sẽ quan tâm, giúp đỡ những người dân nghèo tại khu vực bãi giữa này. 

Không gian vui chơi của những đứa trẻ tại xóm Phao chỉ quanh quẩn trên chiếc thuyền.

“Điều kiện sinh hoạt ở đây khó khăn, phải dùng điện năng lượng mặt trời, có đôi khi còn chẳng đủ dùng. Dưới này mùa đông cũng lạnh hơn, mùa hè thì hơi nước nóng bốc lên, mãi gần nửa đêm mới đỡ oi bức để ngủ”, chị Trang chia sẻ. 

Ngoài gia đình chị Trang, mỗi gia đình trong xóm là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung, vì cuộc sống nên phải xa quê, tha phương cầu thực và "trôi nổi" lên Hà Nội làm nhiều nghề để mưu sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn