MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tuyến đường nhánh kết nối bãi giữa sông Hồng và khu vực nội đô bị ngập sâu sau 2 trận mưa lớn cũng như việc lũ lên. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Bãi giữa sông Hồng ngập sâu, người dân phải dùng đò để di chuyển

Nguyễn Thúy LDO | 15/06/2022 19:23
Hai trận mưa lớn kèm theo việc nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ 4 cửa đáy khiến mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập ở bãi giữa, chia cắt một số nhánh đường trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. Một số đoạn ngập 2-3 m, người dân phải dùng đò để di chuyển.

Có hai đường để xuống bãi giữa sông Hồng: một là từ cầu Long Biên xuống, hai là từ đường An Dương đi vào. Tuy nhiên, những ngày qua mực nước dâng cao khiến việc đi lại người dân gặp nhiều khó khăn. 

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 15.6, tại đường nhánh kết nối khu vực nội đô và bãi giữa sông Hồng khu vực ngõ 76 phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bị chia cắt bởi nước sâu, có nơi ngập đến 2m. Tại đây, nếu người dân muốn đi làm, học hành hay đi buôn bán đều phải sử dụng đò để di chuyển.

Đoạn đường này chỉ ngắn khoảng 200m nhưng việc di chuyển khó khăn do phải tránh cọc, đá, cây cối rồi cả dây thép gai bên dưới. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Hơn 20 năm lái đò, ông Dũng (78 tuổi) cho biết, đò chỉ phục vụ người dân bãi giữa mỗi khi trên thượng nguồn xả lũ. 

“Năm nay, nước lên nhanh và nhiều hơn các năm trước. Nếu mưa lớn còn kéo dài thì sẽ còn xả lũ và ở đây sẽ ngập lâu và sâu hơn. Hầu hết người dân đều phải dùng đò để di chuyển lên nơi cao hơn, một số người không có việc gì sẽ ở lại bãi bồi chờ người tiếp lương thực chờ nước rút”, ông Dũng kể.

Mỗi lượt người và xe đi đò giúp người lái đò kiếm được 10.000 - 20.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo ông Dũng, mỗi chuyến đò tối đa ông chở được 5 – 6 chiếc xe máy và khoảng trên chục người. Mỗi lượt di chuyển là 10.000 đồng/người và 20.000 đồng/người và xe. Đoạn đường này chỉ ngắn khoảng 200 mét nhưng phải mất tới hơn 15 phút để tránh cọc, đá, cây cối rồi cả dây thép gai bên dưới.

Nước từ đầu nguồn đổ về kéo theo nhiều bèo, rác phủ kín mặt nước. Ảnh: Nguyễn Thúy.

“Ba năm nay đoạn này mới ngập sâu như vậy. Bên dưới rất nhiều cọc, đá nên đa số người dân chọn đường đi lên cầu Long Biên. Chúng tôi kinh doanh buôn bán phải chở nặng nên đi đò”, cô Ngọc Mai - người dân sống tại bãi giữa cho biết.

Người dân phải mất 15-20 phút di chuyển tính cả thời gian chờ đò. Ảnh: Nguyễn Thúy

Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, nước dâng cao khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng ven sông, bãi giữa sông Hồng bị ảnh hưởng lớn. Nhiều hộ phải chuyển đồ đạc lên cao để tránh ngập úng khi nước sông dâng lên.

Nước lên khiến nhà bè của các gia đình sinh sống ở khu vực bãi giữa sông Hồng liên tục phải di chuyển đến vị trí cao hơn. Ảnh: Nguyễn Thúy.
Nhiều lối đi ở khu vực bãi giữa ngập sâu trong nước. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Ngán ngẩm nhìn đồ đạc ngâm nước, trong khi nước sông chưa có dấu hiệu sẽ rút, anh Minh Hoàng cho biết: “Những hôm nước lên, tôi phải thức trắng đêm để di chuyển nhà bè, đề phòng nước cuốn trôi. Giờ ngập ngày càng sâu, nước giếng khoan không còn, gia đình tôi phải hứng nước mưa tích trữ đồ ăn để phục vụ sinh hoạt”.

Nước dâng cao khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng ven sông bị ảnh hưởng lớn. Ảnh: Nguyễn Thúy.
Dự kiến mực nước cao còn kéo dài nhiều ngày tới. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Được biết, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã lên xấp xỉ 6m, dưới mức báo động 1 là 3,5 mét. Dự báo, thời tiết miền Bắc trong những ngày này sẽ tiếp tục mưa nên nhiều khả năng, mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ còn tiếp tục dâng cao. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn