MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc khai thác khu vực bãi nổi giữa, bãi bồi sông Hồng thành những khu thể dục, thể thao, vui chơi giải trí sẽ phần nào giúp khu vực này trở nên hấp dẫn. Ảnh: Minh Ánh

Bãi giữa sông Hồng thành công viên sẽ giúp bảo vệ đất công

Minh Ánh LDO | 03/07/2023 15:01

Hà Nội  - Theo các kiến trúc sư, việc xây dựng một công viên văn hoá, du lịch tại bãi giữa sông Hồng sẽ giúp cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, giúp bảo vệ đất công được tốt hơn, tránh được việc lấn chiếm, chiếm dụng…

Tiềm năng phát triển của công viên bãi giữa sông Hồng

Ngày 30.6.2023, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II do UBND TP Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - cho biết, ngày 25.3.2022, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỉ lệ 1/5000.

Hiện UBND các quận, huyện đang tổ chức đo đạc, lập bản đồ, quy hoạch. Tiếp đó, các địa phương liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) làm cơ sở lập trình duyệt quy hoạch.

Trao đổi với Lao Động về thông tin này, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư (KTS) Hà Nội - cho biết, các kiến trúc sư tình nguyện Hội KTS Hà Nội đã nhiều lần được trao đổi với lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về nội dung này.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã có mong muốn cải tạo khu vực bãi giữa sông Hồng từ nhiều năm. Ông đã đề cập nội dung này trong luận án tiến sĩ của mình và đã hoàn thành hồi tháng 12.2021 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Nhằm từng bước cụ thể hóa ý tưởng này, dưới vai trò lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, ông rất ủng hộ những sáng kiến hay đề xuất của các KTS, Nghệ sĩ Hà Nội... đã triển khai xây dựng và cải tạo không gian công cộng như: Dự án Nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân (nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chủ trì), sân chơi cộng đồng phường Chương Dương (KTS Chu Kim Đức, Think Playground chủ trì)...

Theo các kiến trúc sư, bãi giữa sông Hồng sẽ là một không gian tiềm năng để khai thác và triển khai thành không gian công cộng.

KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội. Ảnh: Minh Ánh

Ông Ánh nêu dẫn chứng, thực tế cho thấy, lâu nay nhiều người cũng đã tới khu vực bãi giữa vui chơi, bơi, tắm, chạy, đi xe đạp… nhưng đều là hoạt động tự phát. Do đó, bây giờ cần tổ chức lại cho tốt hơn là điều nên làm.

Mặt khác, việc phát triển thành công viên - đó là công trình công cộng - thì việc bảo vệ tài sản công được tốt hơn, tránh được việc lấn chiếm, chiếm dụng gây bức xúc… Đất công thì phải bảo vệ, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc này. Khi biến thành công viên thì không chỉ càng được bảo vệ tốt hơn mà còn phục vụ công cộng tốt hơn.

Những khó khăn và bất cập

Thời gian trước khi có đề xuất nghiên cứu biến bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch của Hà Nội, GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - bày tỏ lo lắng về khả năng chống lũ của sông cũng như tình trạng xói lở có thể gia tăng, ẩn chứa nguy cơ cao khi có mưa lũ.

Theo ông Hồng, nếu xây dựng các công trình ở lòng sông, vô tình sẽ ngăn dòng, nghẽn lại, gây ra xói lở hai bên bờ sông ở phía sau công trình. Mặt khác, địa chất ở các bãi bồi ở lòng sông chỉ toàn cát, không có đá, nên rất yếu. Việc xây dựng các công trình trên đó là không ổn.

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản cũng cho rằng đặc điểm của vùng đất ở ven sông, giữa sông, trong phạm vi hành lang lũ 100 năm là đất phù sa mới, chưa cố kết nên nhìn chung là yếu.

Đề cập tới vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh nhận định: "Tôi rất chú ý các thông tin chuyên môn có giá trị cao của hai nhà khoa học khi vận dụng vào trong các nghiên cứu, đề xuất đồ án quy hoạch, các giải pháp liên quan và các thiết kế công trình tác động tới sông Hồng.

Điều này nhằm cung cấp cho lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bên liên quan có nhiều lựa chọn tối ưu, hài hòa các lợi ích và đảm bảo sự phát triển Hà Nội bền vững, lâu dài, công bằng và hiệu quả nhất".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn