MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp Việt Nam không thể tách rời khỏi chuyển đổi số. Ảnh: Chụp màn hình

Bài học, thách thức cho chuyển đổi xanh, số tại Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 30/05/2024 16:28

Chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) là bước đi tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam để tồn tại, nhưng nó cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Bối cảnh và hiện trạng thực hành chuyển đổi kép tại Việt Nam

Với mức độ hội nhập sâu rộng cùng thế giới, Việt Nam đã có những hành động nền tảng ban đầu để bắt kịp xu hướng chuyển đổi kép (xanh và số - digital ESG) toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tự thân (9%), tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 15-20% vào năm 2030; loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2040 và trung hòa carbon vào năm 2050.

Song song với việc chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang thực hiện chuyển đổi xanh theo tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải song hành cùng nhau.

Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là mục tiêu chuyển đổi kép, hỗ trợ cho nhau. Nếu như chuyển đổi số nhanh hơn, linh hoạt hơn nó sẽ tạo thành một đòn đẩy giúp cho doanh nghiệp hướng tới ba mục tiêu của chuyển đổi số: Thứ nhất là hiệu quả. Thứ hai là minh bạch về dữ liệu và thứ ba là dữ liệu có thể chia sẻ và triển khai được hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital chia sẻ với Lao Động.

Theo ông Tuấn Anh, việc chuyển đổi số kép tại các doanh nghiệp Việt Nam gặp 4 thách thức lớn: Thiếu nhận thức, năng lực và nguồn lực cho triển khai; Thiếu sự khuyến khích và hỗ trợ từ các bên liên quan trong triển khai; Thiếu dữ liệu và đối chuẩn ESG rõ ràng và thiếu tiêu chuẩn, khuôn khổ và hướng dẫn thực hành ESG.

Do đó, theo các chuyên gia việc chọn một cách tiếp cận đúng đắn, xây dựng lộ trình Digital ESG phù hợp là bài toán mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, nếu không 5-10 năm nữa, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Trong việc chuyển đổi kép, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã quen dần với chỉ số xếp hạng ESG Rating. Nếu chỉ số cao có thể giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện uy tín thương hiệu. Ảnh: Chụp màn hình

Bài học và hướng tiếp cận cho các doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024 mới đây, các chuyên gia đã đưa nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về chuyển đổi xanh và số trên thế giới. Chẳng hạn, Đan Mạch xây dựng khu công nghiệp sinh thái với Kalundborg với mô hình nền kinh tế tuần hoàn; đô thị thông minh lấy AI và năng lượng tái tạo làm trọng tâm tại Neom City ở Saudi Arabia với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỉ USD.

Từ những trường hợp đó, theo các chuyên gia để việc chuyển đổi kép có hiệu quả cần có: Một lộ trình dựa trên nguyên tắc thống nhất chung giữa chính phủ, doanh nghiệp, người dân; Hướng đến xây dựng nền tảng dữ liệu minh bạch, chia sẻ và môi trường sáng tạo, thúc đẩy ý tưởng.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng nhanh với việc chuyển đổi kép. Theo ông Tuấn Anh, có 3 điểm mấu chốt cần chú ý gồm: Thứ nhất là phải có lộ trình thực sự bài bản, chuyển đổi từ nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp; thứ hai là có kế hoạch dài hạn để quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản số do doanh nghiệp tạo ra trong câu chuyện chuyển đổi xanh. Cuối cùng là nguồn lực con người, định hướng chuyển đổi dài hạn, chuyển đổi bền vững cho doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn