MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ô đất rộng hơn 2.000m2 này được quy hoạch thành trường học, đất công cộng làm khu vui chơi cho trẻ nhưng bị chiếm dụng thành bãi xe chui. Ảnh: C.V

Bãi xe, cao ốc nuốt chửng sân chơi của trẻ

TRẦN VƯƠNG - THÔNG CHÍ LDO | 31/05/2018 09:52
Tại Hà Nội và TPHCM, nhiều phụ huynh bước chân ra khỏi nhà tự hỏi, dịp hè, con trẻ chơi ở đâu?. Câu hỏi này đặt ra từ năm này sang năm khác nhưng vẫn không có câu trả lời, trong khi chung cư mọc lên càng nhiều, còn sân chơi của trẻ lại dần mất đi.

Cao ốc “bóp nghẹt” sân chơi

Ghi nhận thực tế của PV Lao Động nhiều ngày liên tiếp tại một số khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện nay hầu hết khu vực vỉa hè, sân chơi của cư dân tòa nhà đang gần như bị lấn chiếm thành nơi trông xe, bán hàng hóa.

Tại khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), 12 toà chung cư HH cao từ 35-40 tầng, với mật độ dân cư tại nơi đây lên tới hơn 3 vạn dân. Tuy nhiên, khoảng không duy nhất của 12 toà nhà chụm vào nhau là khoảng không chỉ vẻn vẹn vài nghìn mét vuông. Bí bách, ngột ngạt là cảm giác của nhiều cư dân cư trú tại nơi này.

Trong khi đó chỉ vài bước chân là công viên Linh Đàm, vườn hoa Linh Đàm. Tuy nhiên, tại các khoảng không quý giá này đã bị xẻ thịt làm nơi kinh doanh.

Đi một đoạn vào cổng công viên Linh Đàm là quán café Hồn Gỗ và diện tích khoảng không được trưng dụng làm bãi đỗ xe. Cách quán café này vài trăm mét là hàng loạt nhà hàng mọc lên trên đất công viên như quán nhậu Phương Anh, Karaoke Lade Side, các sân tenis.

Tại hướng đối diện công viên là bãi xe chui lớn nhất Linh Đàm, nơi đây được quy hoạch 20.000m được giao cho TCty HUD và Cty Hợp Phú thực hiện dự án xây trường học và công trình công cộng. Tuy nhiên, tới ngày 29.5, 20.000m2 này vẫn là bãi xe chui, quận Hoàng Mai nhiều lần ra quân giải toả vẫn chưa được.

Tại đường Lê Văn Lương, hàng loạt tòa nhà cao tầng, khu chung cư được mọc lên san sát. Theo ghi nhận của PV hầu hết tầng 1 của các tòa nhà này đều là các văn phòng, cửa hàng giao dịch… Do đó vỉa hè của khu vực này gần như được dùng làm điểm trông giữ xe máy.

Lối bên trong các khu vực đường Nguyễn Thị Định, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thị Thập và nhiều con ngõ dọc các khu chung cư cao tầng này “nghiễm nhiên” thành nơi dừng, đỗ ôtô. Thật hiếm hoi để tìm được khu vực sân chơi công cộng, vườn hoa, khuôn viên, cây xanh cho hàng nghìn người dân trong khu vực này.

Cách đó không xa, khu đô thị Nam Trung Yên, trên đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, phần sân chơi chung tại các tòa nhà xung quanh các tòa nhà B3D, B6A, B6C, A10, B10A, B10B, B10B, B10C, B11B... thường xuyên bị biến thành nơi họp chợ cóc, bán hàng hóa và thành điểm trông giữ các phương tiện.

Tương tự, tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, xung quanh các tòa nhà CT12A, CT12B, CT12C phần sảnh, bậc thềm tầng 1; diện tích sân chơi chung và khu vực vỉa hè đường Nguyễn Xiển đều đã bị chiếm dụng bởi hàng chục quán, gánh hàng rong… Phần sân chơi nhỏ hẹp được bố trí với một vài đồ chơi sơ sài không thể đáp ứng cho hàng nghìn cư dân tại gần chục tòa nhà cao tầng tại đây.

Tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) gồm 19 tòa nhà cao tầng, hàng vạn dân khu vực này nhưng chỉ có duy nhất 2 vườn hoa nhỏ, diện tích chưa đầy 200m2.

“Xẻ thịt” sân chơi, chẳng ai chịu trách nhiệm

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, tại nhiều khu đô thị, nhà chung cư, khoảng không gian vốn chật hẹp giữa các tòa nhà lại biến thành bãi trông giữ xe trái phép, thậm chí bị “xẻ thịt” cho tư nhân thuê kinh doanh, khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các chủ hàng quán ngang nhiên chiếm dụng là do sự buông lỏng quản lý của đơn vị chủ đầu tư, Ban Quản lý tòa nhà và chính quyền địa phương. Để giải quyết được tình trạng này cần phải có sự quyết liệt, mạnh tay và sự phối hợp của nhiều đơn vị.

Đồng thời, để bình quân không gian xanh đạt tới chỉ tiêu 3,9m2/người theo quy hoạch (so với chỉ tiêu quy chuẩn cần 7m2/người) rất cần phải khai thác quỹ đất từ chuyển đổi mục đích sử dụng khi di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở một số bộ, ngành, cơ sở đại học, cao đẳng… ra khỏi nội thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn