MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
KTS Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

Bán chênh giá nhà ở xã hội cho người lao động là mất đi tính nhân văn

Vương Trần LDO | 13/05/2023 15:03

Do nguồn cung quá ít trong khi nhu cầu cao, nhiều người lao động khá vất vả mới kiếm được suất mua nhà ở xã hội. Từ đó, nhiều đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng việc này để kiếm tiền chênh lệch từ người muốn mua nhà ở xã hội. Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có sự giám sát để đảm bảo chính sách nhân văn này đến đúng đối tượng.

Nguồn cung thấp, nhu cầu cao

Nhà ở xã hội là dành cho người dân có thu nhập thấp hay thuộc diện chính sách. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp có đủ tiền, đủ tiêu chuẩn để có một suất mua nhà ở xã hội nhưng vẫn không thể. Theo ghi nhận của Lao Động, do quỹ căn hộ có hạn, trong khi nhu cầu mua lớn, chủ đầu tư mỗi ngày chỉ xử lí được vài chục bộ hồ sơ trong khi lượng gửi vào đã xấp xỉ 1.000 bộ. Để hồ sơ của mình có cơ hội được duyệt trong ngày, không ít người đã thức trắng nhiều đêm chỉ để giữ chỗ.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của Lao Động, ngay từ khi chủ đầu tư chưa kết thúc việc nhận hồ sơ, tại các công ty, sàn BĐS đã có nhiều căn hộ được đặt cọc, ngã giá, chắc suất vì mua theo hình thức ra “giá chênh”.

Và như vậy, nhiều người lao động, người thu nhập thấp muốn mua nhà ở xã hội phải qua cò mồi, trung gian với giá chênh hàng trăm triệu đồng so với quy định.

Trao đổi với Lao Động, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đồng Nai) - cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội rất nhân văn, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện ở đây còn có những vấn đề, hiện tượng như báo chí phản ánh. Do vậy sự giám sát phải chặt chẽ để đúng đối tượng được mua với sự ưu đãi và sự quan tâm của chính sách.

“Người lao động vốn đã khó khăn nếu bị chênh giá lên như vậy thì càng khó khăn hơn và mất đi ý nghĩa của chính sách rất đúng đắn dành cho đối tượng này” - đại biểu Như Ý nói.

Nữ đại biểu Đoàn Đồng Nai phân tích, chính sách nhà ở xã hội ở khâu tổ chức thực hiện còn những vấn đề. Công nhân, người lao động, người thu nhập thấp để tiếp cận được với chính sách, qua được các vòng xét duyệt hồ sơ không hề dễ dàng. Chính vì vậy phải có giám sát, kiểm soát để chính sách được đến đúng với đối tượng.

Mặt khác, việc tiếp cận chính sách khó, cần phải thiết kế cho phù hợp, minh bạch để những người lao động, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được và đúng đối tượng.

Thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu

Đại biểu Như Ý cho rằng, giải pháp căn cơ phải là đảm bảo nguồn cung. Bởi nguồn cung hiện nay rất ít so với nhu cầu. Chính vì vậy cần phải thiết kế chính sách và có thứ tự ưu tiên với những người lao động, người khó khăn có thể tiếp cận được.

Cùng trao đổi, KTS Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - nhìn nhận, gần đây Hà Nội công bố bán nhà ở xã hội của một dự án tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, nhiều người dân xếp hàng từ 2 giờ sáng để đăng kí.

Điều đó phần nào cho thấy cách mua/bán nhà ở xã hội của chúng ta vẫn rất lạc hậu; không có hệ thống thông tin dữ liệu số hóa về đối tượng được mua nhà giá rẻ - tiềm tàng nguy cơ bất bình đẳng trong việc thực hiện chủ trương tốt đẹp này.

Do vậy, ông Ánh cho rằng, cần phải thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để minh bạch hoá, tránh được những tiêu cực trong việc mua - bán, xét duyệt nhà ở xã hội. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn