MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bán đất mặt ruộng ở Vĩnh Long: Phải mất 5-7 năm mặt ruộng mới phục hồi

Hoàng Lộc LDO | 28/02/2023 16:32
Việc nông dân các xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long bán đất mặt ruộng để thu lợi trước mắt nhưng tiềm ẩn tác hại lâu dài, phải mất từ 5-7 năm đất mới có thể phục hồi.

Lợi trước mắt, hại về sau

Liên quan đến tình trạng mua bán mặt đất ruộng diễn ra công khai tại các xã trên địa bàn huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long mà Báo Lao Động đã phản ánh, ngày 28.2, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn NNPTNT Vĩnh Long, cho biết: Đất mặt ruộng có lượng dinh dưỡng chỉ sâu khoảng 20cm.

Do đó, nếu người dân cào đất mặt để cải tạo ruộng lúa thì cần tốn nhiều thời gian, bón nhiều phân mới cải thiện được chất dinh dưỡng cho mặt đất.

Ông Liêm cũng thông tin thêm, sau khi bị cào hết mặt đất chứa nhiều chất dinh dưỡng thì đến phần đất sinh phèn. Phần đất này có thể gây ngộ độc hữu cơ cũng như không cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa phát triển được.

Điều này đồng nghĩa sẽ làm năng suất bị sụt giảm nhiều và phải tốn ít nhất 5 đến 7 năm mới phục hồi lại chất dinh dưỡng cho mặt ruộng.

Điểm tập kết đất sau khi  cào bóc mặt ruộng. Ảnh: Hoàng Lộc 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, việc mua bán mặt đất ruộng được quy định tại Luật Trồng trọt.

Theo đó, tại khoản 1, khoản 2, điều 57 quy định việc quản lý phần đất mặt để sử dụng, nếu muốn chuyển sang mục đích khác hoặc muốn khai thác lớp đất mặt ruộng phải được cấp phép.

Về mặt quản lý thì giao chính quyền địa phương, cấp xã, cấp huyện sẽ xử phạt những trường hợp khai thác mặt đất ruộng nếu không được cấp phép.

Cải tạo đất thế nào cho đúng cách?

Trước, đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, tại các xã Phú Đức, Long Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), tình hình mua bán đất mặt ruộng đang diễn ra sôi động một cách công khai. 

Tại ruộng, nhiều xe cuốc cào lớp đất mặt từ 10 - 20cm, cứ 1.000m2 sẽ đào đi từ 20 – 25 tấn đất tùy theo độ sâu, cạn do người bán yêu cầu. Với diện tích này người bán được từ 1,5 – 2 triệu đồng. 

Từ ruộng đến khu tập kết khoảng 500 - 600 mét nhưng có gần 10 xe hoạt động liên tục từ sáng đến tận 21 - 22h. Còn tại các điểm tập kết, đất được chất cao.

 Xe chở đất chạy liên tục tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Hoàng Lộc

Đa số người dân hiện tại cho rằng bán mặt đất ruộng, hoặc muốn cải tạo ruộng lúa cho không bị tình trạng gò cao là phải bán mặt đất ruộng.

"Mặc dù biết là tới phần đất sét, không có chất dinh dưỡng nhiều nhưng mình dùng số tiền bán được mua phân bón lại chắc cũng được phần nào tốt cho vụ lúa tiếp theo", nông dân bán đất mặt ruộng nói.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Vĩnh Long, người dân có thể dùng nhiều cách để cải tạo lại mặt đất ruộng.

Thứ nhất là cào hết lớp mặt đất khoảng 20cm để sang một bên, sau đó lấy phần đất phía dưới để bán hoặc dùng cho mục đích khác, sau đó làm bằng mặt ruộng như hiện trạng ban đầu.

Thứ hai là người nông dân có thể lấy 1/3 mặt đất ruộng tức là khoảng 6cm để hạ thấp mặt đất ruộng theo nhu cầu cải tạo ruộng lúa.

Thứ ba là lấy đất ở những nơi gò cao, sau đó cào bằng lại mặt ruộng.

Việc làm này thì cực và tốn nhiều thời gian cho người nông dân, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho vụ lúa tiếp theo.

 Đất mặt ruộng bị cào từ 15 - 20cm. Ảnh: Hoàng Lộc

Được biết, sự việc mua bán đất mặt ruộng đang được UBND các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long thống kê và sẽ thực hiện các bước xử lý theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn