MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều người lao động chật vật hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: Minh Phương.

Ban hành hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/08/2021 15:08
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã trình Chính phủ ban hành, thực hiện hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế.

Ban hành và thực hiện một loạt chính sách

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chính sách này nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tất cả chính sách này được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện, cụ thể:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong dịch COVID-19. Ảnh minh họa: LDO.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhằm hỗ trợ trong thời gian không có việc làm, không có thu nhập, cần duy trì đời sống đến khi quay trở lại làm việc; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh;

Nỗ lực chống dịch và duy trì sản xuất

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, gồm có 2 nội dung chính: Vay vốn trả lương ngừng việc (đây là chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 42/NĐ-CP); Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất.

Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lê. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Vừa đảm bảo chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh là nội dung các chính sách hướng đến. Ảnh minh họa: LDO.

Người sử dụng lao động phải dừng sản xuất, kinh doanh do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời gian từ 1.5.2021 đến 31.3.2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh hoặc người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ 1.5.2021 đến 31.3.2022 được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%;

Hơn nữa, người sử dụng lao động, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Với lao động tự do, Chính phủ giao cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ lao động tự do.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14.7.2021 về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn