MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêu chết khiến hàng trăm hộ dân vay vốn trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh: Đình Trọng

Bàn hướng hỗ trợ hàng trăm hộ dân vụ 1.000ha tiêu chết rụi trong 2 năm

ĐÌNH TRỌNG LDO | 17/06/2020 12:36

Về việc hơn 1.000ha tiêu của một xã ở Bình Phước chết rụi trong 2 năm liên tiếp khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh "phá sản", hiện chính quyền địa phương đang bàn cách hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Vụ việc tiêu chết nhanh, chết hàng loạt kéo dài trong hơn 2 năm (2017-4.2019) xảy ra ở xã Bù Gia Mập và xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. 

Năm 2017, diện tích tiêu toàn huyện Bù Gia Mập là 2.292ha, nhưng đến năm 2019 tiêu bị chết mất 1.256ha. Riêng xã Đắk Ơ có 1.540ha tiêu năm 2017 nhưng bị chết lên đến 1.017ha (chiếm 80% toàn huyện). 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, việc tiêu chết do nhiều nguyên nhân, không đủ cơ sở để công bố dịch bệnh. Vì vậy người dân không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi xảy ra dịch bệnh trên cây tiêu.

Các sở ngành Bình Phước đang tìm nhiều hướng khác nhau để hỗ trợ người dân trồng tiêu vùng biên giới vượt qua khó khăn. Ảnh: Đình Trọng

Việc tiêu chết hàng loạt khiến các hộ dân vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng tiêu rơi vào cảnh "phá sản". Tiền đã cạn, trong khi đất sản xuất thì đã thế chấp ngân hàng nên không dám đầu tư canh tác. 

Ông Vũ Đức Duy - Phó Chủ tịch xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết, việc tiêu chết khiến hơn 600 hộ dân trong xã lâm vào cảnh nợ nần. Vừa qua, dịch bệnh COVID-19 kéo dài càng khiến người dân xã Đắk Ơ thêm khó khăn. Đã có hộ dân bị ngân hàng thực hiện phát mãi tài sản thu hồi nợ.

Mong muốn của người dân là được các ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ để có thể tái sản xuất trên mảnh đất đã gây dựng có tiền trả ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Gia Mập cho biết, vừa qua các sở ngành đã có cuộc họp để bàn giải pháp hỗ trợ gần 1.000 hộ dân có tiêu chết và nợ ngân hàng ở huyện Bù Gia Mập.  Ủy ban Nhân dân huyện đề nghị ngân hàng gia hạn 3-5 năm để người dân trả lãi khi có nguồn thu. Bên cạnh đó giảm lãi cho các hộ dân khó khăn trong đó có xã Đắk Ơ. Huyện đã cung cấp danh sách các hộ có thế chấp vườn vay vốn trồng tiêu để các cơ quan cấp trên và ngân hàng xem xét. 

Phía Sở Tài chính Bình Phước cũng thống nhất lấy nguồn kinh phí dự phòng trong năm 2020 để hỗ trợ cho người dân bằng nhiều hình thức theo quy định.

Ngoài ra, các sở ngành của Bình Phước đang tìm nhà đầu tư  về cùng hợp tác với địa phương và người dân để chuyển đổi cây trồng thực hiện các dự án lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn