MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Băn khoăn thay đổi giấy tờ khi Hà Nội sáp nhập phường, xã

KHÁNH AN LDO | 04/03/2024 09:28

Sau khi đọc được thông tin về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023-2025, nhiều người dân không khỏi băn khoăn về việc đổi các loại giấy tờ trong thời gian tới.

Những nỗi lo khi sáp nhập phường, xã

Những ngày gần đây, khi biết được thông tin Hà Nội dự kiến sáp nhập 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung thành đơn vị hành chính mới, ông Nguyễn Xuân Thành (65 tuổi, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) không khỏi lo lắng.

Ông Thành cho biết, ông hiện đang làm các thủ tục sang tên nhà đất cho cháu. Để làm các thủ tục này, ông đã phải chuẩn bị nhiều giấy tờ từ thời điểm trước Tết. Đến nay, khi mọi thứ đã đầy đủ đến 90%, thì ông đọc được thông tin phường của mình sẽ được gộp với 2 phường khác thành một đơn vị hành chính mới.

“Tôi thắc mắc là những hồ sơ tôi đã nộp từ trước thì sẽ ra sao, liệu tôi có phải làm lại từ đầu tất cả các thủ tục sang tên nhà đất khi phường được sáp nhập” - ông Thành thắc mắc.

Ông Thành cũng lo lắng về việc thời gian tới, những thông tin trên giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng lái xe, các thông tin ngân hàng... sẽ phải thay đổi toàn bộ.
“Hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chức năng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính” - ông Thành nói.

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Thái (43 tuổi, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) lại đang lo lắng về việc thi chuyển cấp của con nếu thành phố quyết định sáp nhập một phần diện tích phường Sài Đồng vào Phúc Đồng và phần còn lại vào phường Phúc Lợi.

“Nếu phường Sài Đồng sáp nhập vào 2 phường khác, chúng tôi liệu có phải gấp rút đi làm lại giấy tờ cho con để thi vào lớp 10 hay không” - anh Thái thắc mắc.

Anh Thái cũng hy vọng sẽ được hướng dẫn chi tiết.

Khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới

Tại phiên họp Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp huyện xã giai đoạn 2023-2030 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương tuyên truyền tốt để người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đồng thuận. Sau sáp nhập, địa phương sớm ổn định đời sống nhân dân và có chính sách phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở vật chất, trụ sở dôi dư.

Theo đại diện Bộ Công an, việc sáp nhập huyện xã sẽ thay đổi tên gọi đơn vị hành chính nên một số trường thông tin của người dân sinh sống ở đó sẽ thay đổi. Vì vậy, Bộ Công an sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này.

Sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đổi giấy tờ, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, Bộ Công an khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới. Việc này được thực hiện miễn phí.

Với một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, có điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023-2025, các quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai và Sơn Tây. Trong đó, quận Đống Đa dự kiến sáp nhập 6 phường thành 4 phường. Với quận Hai Bà Trưng, thành phố đề xuất nhập 7 phường thành 4 phường. Ở quận Thanh Xuân, 4 phường được đề xuất sáp nhập thành 2 phường.

Tại quận Hà Đông, thành phố dự kiến sáp nhập 3 phường thành đơn vị hành chính mới.

Tại quận Long Biên, 3 phường được sáp nhập để giảm còn 2 phường. Thị xã Sơn Tây có phương án sáp nhập 3 phường. Ở các huyện, Ứng Hòa sẽ sáp nhập 14 xã thành 5 xã.

Các huyện còn lại là Đan Phượng, Thường Tín và Quốc Oai cùng có phương án giảm 4 xã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn