MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày 1.7, thu hồi sổ hộ khẩu khi thay đổi thông tin. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Băn khoăn trước thông tin sẽ thu hồi sổ hộ khẩu giấy

Đỗ Phương LDO | 31/03/2021 10:21
Từ ngày 1.7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, cơ quan công an sẽ cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy. Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều luồng ý kiến băn khoăn việc có nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy hay không?

Chỉ là thay đổi về hình thức quản lý

Trao đổi với Lao Động, TS-LS Vũ Thái Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe - cho rằng, hộ khẩu giấy là một loại giấy tờ pháp lý được sử dụng trong việc quản lý dân cư tại Việt Nam trong suốt nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại, việc duy trì hình thức của giấy tờ pháp lý này là không còn cần thiết khi có thể thay thế chúng bằng hình thức khác, đơn giản và ưu việt hơn.

Ông Hà giải thích, khi vai trò của hộ khẩu giấy truyền thống không còn giá trị, bị thay thế bởi căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc thu hồi sổ hộ khẩu giấy là tất yếu.

Bên cạnh các thuận lợi khi loại bỏ một hình thức quản lý rườm rà, không còn phù hợp với thời đại, việc thay thế hình thức của giấy tờ pháp lý, hình thức quản lý sẽ luôn tạo ra những khó khăn trong giai đoạn chuyển giao. Giai đoạn này, sẽ tạo ra một số vướng mắc hoặc phiền phức cho nhiều tổ chức và cá nhân. Người dân và các tổ chức sẽ phải hoàn thiện, cập nhật lại phương thức quản lý theo hình thức mới.

Tuy nhiên, ông Hà đánh giá, các khó khăn và vướng mắc này là nhỏ nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật, quản lý và khai thác một cách thuận lợi.

“Thực tế, bỏ hộ khẩu giấy đơn giản chỉ là thay đổi hình thức quản lý cư trú từ giấy sang hình thức quản lý bằng công nghệ thông tin. Bỏ hộ khẩu không đồng nghĩa với việc không quản lý mà chỉ là thay đổi hình thức quản lý từ không tiên tiến sang loại hình quản lý thông minh hơn. Do đó, để thuận lợi cho người dân cũng như tối ưu hóa hoạt động quản lý cư dân, phải xây dựng và tổ chức đồng bộ hạ tầng công nghệ kết nối từ dân sự đến quản lý nhà nước và các lĩnh vực liên quan” - ông Hà nhận định.

Dùng song song cả 2 loại

Về việc có nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy hay không, bạn đọc Hoàng Anh đề xuất: Tất cả giấy tờ thủ tục không cần thiết mà liên quan tới sổ hộ khẩu thì nên bãi bỏ. Còn loại giấy tờ nào bắt buộc chứng minh nguồn gốc thì phải có hộ khẩu giấy để trích lục tàng thư hộ khẩu. Thu hồi sổ hộ khẩu giấy khi người dân thay đổi thông tin, nếu chẳng may hệ thống mạng lỗi hoặc bị sập thì sao? Có gì đảm bảo hệ thống thông tin cá nhân người dân được bảo mật tuyệt đối? “Theo tôi, nên dùng song song hai loại giấy tờ truyền thống và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Chung - Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum - cho biết, không nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy, ít nhất trong thời điểm hiện tại, bởi theo ông, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang còn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Người dân vẫn có thể sử dụng hộ khẩu giấy nếu cần và cơ quan chức năng không cần phải tiến hành thu hồi để thêm gánh nặng công việc, lưu kho, tiêu hủy tốn kém ngân sách...

Đặc biệt, hiện nay khi Luật Cư trú 2020 sắp có hiệu lực nhưng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định về thủ tục hành chính, dân sự... liên quan đến hộ khẩu giấy vẫn chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, đồng bộ. Vì thế nếu thu hồi sổ hộ khẩu giấy có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước.

“Theo tôi không nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy khi người dân có thay đổi thông tin về cư trú mà để song song tồn tại với sổ hộ khẩu điện tử. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp tục sử dụng hộ khẩu trong khi thực hiện các thủ tục, giao dịch liên quan đến sinh hoạt, sản xuất, làm ăn của họ nếu vẫn cần hộ khẩu giấy...” - ông Chung nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn