MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Dao ở huyện Quản Bạ đã trồng và chế biến dược liệu từ nhiều đời nay. Ảnh: Nguyễn Tùng

Bản người Dao vượt khó cùng nhau trồng dược liệu

Việt Bắc LDO | 23/04/2023 13:43
Hà Giang - Cây dược liệu đã thay thế cây ngô, sắn giúp đồng bào người Dao ở xã Nặm Đăm (Quản Bạ) có cuộc sống tốt hơn và cũng từ đây, những bài thuốc quý được gìn giữ, phát triển thành sản phẩm hàng hoá.

Bản người Dao ở xã Nặm Đăm (Quản Bạ) từ nhiều đời nay đã biết đến với việc trồng và chế biến những bài thuốc dân gian từ cây dược liệu. Nhưng đó cũng chỉ dừng ở mức nhỏ lẻ và phục vụ nhu cầu trong gia đình người Dao.

Chỉ từ khi cây dược liệu được đưa lên thành một sản phẩm hàng hoá với những bài thuốc quý lâu đời thì đồng bào người Dao ở đây mới hiểu thêm về giá trị của những cây thuốc thân thuộc. Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Nặm Đăm ra đời với mục tiêu tập hợp đồng bào cùng làm dược liệu.

Với hệ thống nhà xưởng khang trang của HTX Cộng đồng Nặm Đăm rộng hơn 4.000m2, ngoài doanh thu vài tỉ đồng mỗi năm, đây còn là nơi tạo công ăn việc làm cho cả chục lao động đều là đồng bào người Dao.

Lý Tà Dèn - Giám đốc HTX Nặm Đăm cho biết, người Dao có nhiều bài thuốc quý từ nhiều đời nay, bà con ngoài việc thu hái phục vụ gia đình thì cũng chỉ biết mang ra chợ bán nhỏ lẻ, cuộc sống bấp bênh.

Bản người Dao ở Nặm Đăm cùng đoàn kết, vượt khó để bải tồn cây dược liệu và biến chúng thành sản phẩm có giá trị. Ảnh: HTX Nặm Đăm.

Do đó, khi HTX ra đời đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn cây thuốc, bài thuốc quý của đồng bào và giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Nhưng chuyện người Dao trên vùng cao này trồng dược liệu cũng lắm gian nan. Năm 2009 khi HTX thành lập, niềm vui chưa được bao lâu thì chỉ nửa năm sau, các xã viên rút gần hết chỉ còn lại 7 người bởi giai đoạn đầu không có thu nhập.

Dù Lý Tà Dèn cố gắng thuyết phục bà con nhưng việc rút vốn ồ ạt khiến HTX lâm vào tình cảnh khó khăn, khoản góp vốn ban đầu 2 tỉ đồng từ các xã viên chỉ còn chừng 200 triệu đồng.

"Không còn vốn nên làm gì cũng khó, ròng rã mấy năm đầu không có thu nhập, HTX buộc phải nợ lương những xã viên còn trụ lại. Khó khăn lắm, lúc đó có gì bán được là bán và vay thêm ngân hàng để sản xuất" - anh Dèn nhớ lại.

Trong giai đoạn khó khăn ấy, HTX dược liệu Nặm Đăm nhận được những sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và một số đơn vị tư vấn về công nghệ, chuyên môn, quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ.

Những sản phẩm làm ra được các xã viên người Dao đã đích thân mang đi tham gia, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm nông nghiệp và y dược từ Bắc chí Nam.

Sự cố gắng rồi cũng được đến đáp, đến nay những sản phẩm chủ lực của HTX như: cao atiso; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao hà thủ ô; nước tắm thảo dược đã được tiêu thụ rộng rãi và có chỗ đứng trên thị trường. Một số sản phẩm còn đạt 3 sao OCOP.

Đến nay, HTX dược liệu này đã là chỗ làm việc thường xuyên của 25 người, với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng. Nếu như năm 2015, doanh thu của HTX chỉ 400 triệu đồng thì đến năm 2022 đã hơn 2 tỉ đồng. 

Nhà xưởng chế biến dược liệu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm. Ảnh: HTX Nặm Đăm

Hiện nay vùng nguyên liệu của HTX là trên 40 ha cây dược liệu được trồng ở khắp các xã của huyện Quản Bạ trong đó có gần 10 ha đầu vào ổn định là các cây atiso, đương quy, hà thủ ô... Giờ đây, cả bản người Dao ở Nặm Đăm đã cùng chung suy nghĩ làm và sống bằng cây dược liệu.

Theo ông Phạm Ngọc Pha - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cây dược liệu đã trở thành một cây chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo của địa phương. Để phát triển ổn định và bền vững, huyện đã có những đề án cụ thể.

Ông Pha thông tin: "Trước hết, với một giống dược liệu mới phải đưa vào khảo nghiệm, đánh giá, xác định phù hợp mới trồng diện rộng. Sau nữa là khuyến khích các doanh nghiệp tham giá đầu tư để hình thành chuỗi giá trị cao.

Hiện nay, các sản phẩm dược liệu tại Quản Bạ được cung cấp ra thị trường cơ bản đều đã có tem, nhãn mác và chất lượng ổn định".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn