MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Băng giá phủ kín huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Minh Đức

Băng giá trắng trời, du khách háo hức, nông dân lo lắng

Phong Quang LDO | 21/02/2022 14:18

Hà Giang - Tình trạng băng giá trắng trời tại Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc những ngày qua đã thu hút nhiều du khách về thưởng ngoạn, nhưng phía sau đó là cả một câu chuyện buồn với người nông dân vùng cao khi cây trồng, vật nuôi trước nguy cơ mất trắng.

Du khách hào hứng

Sáng ngày 19.2, chị Vũ Bích Hạnh (Long Biên, Hà Nội) cùng nhóm bạn quyết định đi Đồng Văn (Hà Giang) để đón đợt lạnh nhất trong năm với hi vọng có thể nhìn thấy băng tuyết. Không ngoài kỳ vọng, sáng ngày 20.2, băng giá đã phủ trắng nhiều khu vực của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Mặc dù nhiệt độ ngoài trời luôn ở ngưỡng 0 độ nhưng chị Hạnh vẫn rất hào hứng: "Lần đầu tôi được thấy băng phủ kín cành cây, ngọn cỏ thế này, cảnh sắc thực sự ấn tượng. Rất lạnh nhưng đúng là không bõ công vượt hàng trăm ki-lô-mét để lên tới đây ngắm sự kỳ vĩ này".

Nhiều du khách đã đổ về các huyện vùng cao của Hà Giang để được thưởng ngoạn cảnh tượng thiên nhiên này. Ảnh: Minh Đức.

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Thành Long (Việt Trì, Phú Thọ) đi huyện Mèo Vạc công tác vào đúng thời điểm rét đậm, xuất hiện băng giá nên được thưởng ngoạn cảnh tượng kỳ thú của thiên nhiên.

"Băng giá thế này cũng ảnh hưởng nhiều tới công việc, khả năng chuyến công tác sẽ phải kéo dài nhưng anh em trong đoàn rất háo hức. Nhiều năm công tác ở Hà Giang lần này mới trùng dịp có được ngắm băng tuyết", anh Long chia sẻ.

Nhiều nhà nghỉ, khách sạn gần như trong tình trạng kín phòng. Anh Lý Văn Tuân, chủ homestay tại thị trấn Đồng Văn cho biết, đây là đợt đón nhiều khách đặt phòng nhất sau Tết âm lịch. Riêng 4 phòng nhà anh Tuân đã được đặt kín đến cuối tuần.

Thời điểm này tại các huyện vùng cao của Hà Giang như Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc... nhiệt độ vẫn ở mức thấp, băng giá tiếp tục xuất hiện cục bộ và lượng du khách từ các nơi vẫn đang đổ về đây với hi vọng được hoà mình trong băng giá.

Nông dân bộn bề lo lắng

Du khách và chủ các cơ sở kinh doanh, phục vụ du lịch hào hứng là thế nhưng người nông dân vùng cao thì lại không thể vui được như vậy. Bởi mỗi đợt băng giá xảy ra, nỗi lo mất trắng về hoa màu và vật nuôi luôn thường trực.

Nắm ngoái, nhà Thào Mí Dính (xã Xín Cái, Mèo Vạc) bị chết một con bò đẻ vì đợt băng giá trước Tết Nguyên Đán.

Khi ấy, con bò đẻ gần như là là cơ nghiệp của cả gia đình, mặc dù đã chuẩn bị thức ăn đầy đủ nhưng vì chuồng trại chưa được kín chắc nên bò vẫn chết.

Nỗi lo vật nuôi bị chết bởi băng giá đã khiến nhiều gia đình tại vùng cao Hà Giang tốn kém hơn trong việc che chắn chuồng trại và phòng lạnh cho gia súc. Ảnh: Minh Đức.

Năm nay rút kinh nghiệm, ngay từ đầu mùa đông, gia đình đã mua thêm bạt và gia cố thêm mái che cho chuồng bò nhưng với Dính nỗi lo vẫn còn: "Mình rét thì bò nó cũng rét, phải quấn thêm cả chăn cho bò đây này, rồi thay nhau đốt lửa sưởi ấm ở trước cửa chuồng. Bây giờ bò mà chết thì biết trông vào đâu".

Gần đó, cả vườn cải mèo đã đến độ thu hoạch của chị Sùng Thị Mây đã bị đóng băng trắng. Với cây rau sau khi bị đóng băng lâu ngày thì gần như sẽ bị hỏng hoàn toàn bởi băng giá sẽ phá vỡ các mô của cây, khi băng tan cây rau sẽ héo và chết dần.

Nhiều năm sống chung với thời tiết khắc nghiệt này, chị Mây cũng chỉ biết than thở, trông chờ vào may rủi: "Không vào đợt băng giá thì cũng bán được ít tiền đấy, nhưng thế này thì chắc chỉ để cho bò, lợn ăn thôi. Hết băng rồi trồng tiếp chứ biết sao được".

Cây rau sau khi bị đóng băng thường sẽ bị lũn và héo, gần như không thể thu hoạch. Ảnh: Minh Đức.

Sáng 21.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang cho biết, báo cáo nhanh của các địa phương đến thời điểm hiện tại cho thấy toàn tỉnh chỉ có 1 con trâu bị chết do lạnh. Một số diện tích cây rau màu ở các khu vực núi cao bị đóng băng.

Ông Lý thông khẳng định: "Năm nay ngành nông nghiệp Hà Giang đã không còn bị động trước thời tiết cực đoan, do đó thiệt hại cũng đã được giảm tới mức tối đa. Ngay từ đầu mùa phương án thức ăn, che chắn bảo vệ đàn vật nuôi và cây trồng đã được triển khai tới các địa phương".

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan được ngành nông nghiệp Hà Giang từng bước thực hiện để người nông dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao giảm bớt nỗi lo thiệt hại mỗi khi mùa đông đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn