MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bánh mì Việt và hành trình gây ra nỗi nhớ

Thế Lâm LDO | 29/03/2020 07:11
Không phải bỗng dưng mà ngày 24.3.2020, giao diện trang chủ của công cụ tìm kiếm Google xuất hiện hình ảnh ổ bánh mì thịt Việt Nam (Doodle). Theo Google, nhân 9 năm kỉ niệm bánh mì thịt Việt Nam đi vào từ điểm lừng danh Oxford, biểu tượng Doodle mang hình ảnh ổ bánh mì Việt còn xuất hiện trên trang công cụ tìm kiếm tại 10 quốc gia trên thế giới (Australia, Áo, Canada, Cộng hòa Czech, Đức, Nhật, New Zealand, Thụy Sĩ, Singapore và Việt Nam), những nơi mà bánh mì được xem là món ăn nổi tiếng, được yêu mến và ưa chuộng.

Vietnamese Sandwich

Năm 2005, trong thời gian theo học một khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Trung Sơn ở thành phố Cao Hùng (thành phố lớn thứ hai tại Đài Loan, Trung Quốc), tôi được biết thêm một cái tên mới của bánh mì thịt Việt Nam: Vietnamese Sandwich.

Ổ bánh mì khổng lồ được một lò tại Quận 1 (TPHCM) làm ra nhân sự kiện 9 năm tên “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford. Ảnh: T.L

Đó là cách gọi của anh Trần Chính Phi – một ông chủ nhà hàng người Đài chuyên bán các món ăn và càphê Việt – khi cùng tôi đang ở phía trước một quầy bánh mì thịt của một cô dâu Việt. Giá một ổ bánh mì thịt hôm ấy tôi phải trả là 50 Đài tệ, tương đương giá một bát phở cũng được bán tại quán. Anh Phi khen (đại ý là): “Vietnamese Sandwich rất ngon”. Khách ghé lại mua, cả người Đài và các cô dâu Việt lấy chồng xứ người. Bánh mì thịt nói chung là món bình dân và rất phổ biến tại Việt Nam từ nhà quê lên phố lớn, từ những xóm trọ nghèo nàn đến phố hội sầm uất phù hoa. Và khi theo chân các cô dâu Việt sang Đài Loan (Trung Quốc), bánh mì Việt cũng bình dân như cuộc đời của hầu hết các cô dâu Việt tại xứ Đài.

Sau này, tra cứu trên Wikipedia tiếng Anh, tôi mới được biết cái tên Vietnamese Sandwich mà người bạn Đài sử dụng cũng đã được dùng trong bộ từ điển online này. Tất nhiên, khi đi vào từ điển Oxford, hai chữ “bánh mì” trở thành “banh mi”, được định nghĩa là “một loại bánh kẹp gồm một chiếc baguette nướng làm từ bột gạo và bột mì, được cho vào nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt, đồ chua và ớt”. Nếu phân tích kĩ về ngữ nghĩa, trong ba từ tiếng Anh “bread”, “baguette” và “sandwich” thì từ “sandwich” gần hơn với món bánh mì thịt Việt Nam. Vấn đề là ban soạn thảo từ điểm Oxford chọn từ “bánh mì” đưa vào để định nghĩa như trên cũng không thật sát nghĩa. Bởi cái tên bánh mì, ở Việt Nam thường được hiểu là bánh mì không, không có kẹp thịt bên trong. Còn gọi một cách đầy đủ ngữ nghĩa phải là “bánh mì thịt”.

Và hành trình gây nỗi nhớ

Phải 6 năm sau thời điểm tôi được biết đến cái tên lạ lẫm nhưng đầy thú vị của món bánh mì thịt là Vietnamese Sandwich, từ điển Oxford mới đưa cái tên “banh mi” vào từ điển, vào ngày 24.3.2011. Bánh mì thịt Việt Nam được chính danh hơn thay vì phải mượn các cụm từ trung gian là Vietnamese sandwich hay Vietnamese bread.

Cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain từng dành những lời có cánh về món bánh mì thịt của Việt Nam trên  tờ The Guardian phát hành tháng 12.2012, rằng ổ bánh mì Việt là “cả một bản giao hưởng trong ổ bánh mì Việt”. Và theo ông, “một bí mật ít được biết đến là bánh sandwich (bánh mì kẹp) ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí ở New York, mà là trên các đường phố Việt Nam”. Anthony Bourdain là một người rất yêu Việt Nam và đặc biệt là yêu thích ẩm thực Việt Nam. Chính ông chứ không phải ai khác đã để lại ít nhất hai hình ảnh để đời gây nhớ thương liên quan đến ẩm thực Việt. Hình ảnh thứ nhất là cảnh ông đứng với một đồng nghiệp ngay trước tiệm bánh mì Phượng ở Hội An và hai tay cầm ổ bánh mì thịt ăn một cách ngấu nghiến. Hình ảnh thứ hai là ông cùng Tổng thống Obama ăn bún chả và uống bia tại Hà Nội.

Năm 2013, bánh mì thịt Việt Nam được tạp chí National Geographic nổi tiếng bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, và cũng đứng vị trí đầu trong danh sách 12 món ăn đường phố do tạp chí du lịch Mỹ là Conde' Nast Traveler bầu chọn. Đến năm 2014, bánh mì Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí khi được tạp chí Huffington Post bầu chọn vào Top 20 món ăn đường phố tuyệt vời nhất. Đến năm 2018, chuyên trang ẩm thực của CNN - là nơi mà đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain có sự cộng tác khá thường xuyên – trong một chương trình đã gọi bánh mì Hội An là “vua của các loại bánh mì kẹp trên thế giới”. Cũng năm này, tiệm bánh mì Đông Phương của người Việt tại New Orleans (Mỹ) được vinh dự nhận Giải thưởng James Beard (The James Beard Foundation Awards). Đây là giải thưởng từng được tạp chí Time ví như giải Oscar của giới ẩm thực và được thành lập để vinh danh các nhà hàng có sức hấp dẫn vượt thời gian đồng thời bày tỏ sự trân trọng với những món ăn chất lượng, phản ánh bản sắc của một cộng đồng.

Tạo niềm cảm hứng lan tỏa

Nhân kỷ niệm 9 năm “banh mi” đi vào từ điển Oxford, món bánh mì thịt Việt Nam đang tạo nguồn cảm hứng lan tràn. Một MV “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” dí dỏm, vui nhộn và cũng gây nhớ thương đang được nhiều bạn trẻn đón nhận một cách thích thú. Một MV khác là “Bánh mì không” của Đạt G và Du Uyên phát hành từ tháng 12.2019 trên YouTube, đến nay đã có khoảng 62 triệu lượt xem.

Hoa hậu H’hen Niê kể rằng, dạo dự thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 (Miss Universe 2018), cô đã chọn trình diễn trang phục dân tộc có tên Bánh Mì. Sau khi cô trình diễn xong, rất nhiều người đã gọi cô là... Miss Banh Mi, ngay cả những người trong ban tổ chức cũng dùng nickname “Banh Mi” để gọi cô. Gần đây, người gây ấn tượng với sản phẩm bánh mì chính là ông Cao Siêu Lực – Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á – đã nghiên cứu và sản xuất thành công loại bánh mì thanh long với thành phần nguyên liệu quả thanh long đỏ chiếm tỉ trọng 40%. Cả ông Lực và Hoa hậu H’Hen Niê đều thổ lộ rằng cảm thấy hãnh diện và tự hào về món bánh mì Việt Nam mỗi khi nghe bạn bè quốc tế khen ngợi món ăn này.

Món bánh mì thịt của Việt Nam theo nhiều giả thiết là có sự giao thoa về ẩm thực với món bánh mì baguette dài với thịt nguội và bơ hoặc phô mai của Pháp. Tuy nhiên, tới thời điểm này, sự biến tấu và mang đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực Việt, bánh mì thịt đã tự nó khẳng định được tên tuổi, thương hiệu món ăn không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà trên cả thế giới.

Tại Sài Gòn, một quãng thời gian khá dài những năm trước món bánh mì thịt còn được gọi bằng cái tên rất gần gũi là “cơm tay cầm”. Điều mà bánh mì thịt chưa có được là tạo ra các chuỗi lớn lan tỏa quốc tế như món hamburger của các thương hiệu MacDonald’s, Burger King, KFC, Lotteria...

Những con số thú vị về món bánh mì

Hưởng ứng ngày Doodle Bánh Mì Việt Nam xuất hiện trên trang chủ của Google tìm kiếm, ứng dụng đặt xe Go-Viet cũng công bố nhiều con số khá thú vị. Món bánh mì là thực đơn chính của hơn 9.000 hàng, quán trên GoFood.  Đến nay, đã có gần 4,5 triệu ổ bánh mì đã được bán ra qua nền tảng này. Trong đó, bánh mì que, bánh mì thập cẩm, bánh mì heo quay nằm trong Top 3 các món bánh mì được đặt hàng nhiều nhất. Bánh mì cũng nằm trong top những món ăn được đặt nhiều nhất trong dịp Tết 2020 vừa qua.

Trung bình, mỗi ngày GoFood giúp giao gần 9.000 ổ bánh mì đến với người dùng, với lượng tiêu thụ tại TPHCM nhiều gấp đôi tại Hà Nội. Về thời điểm đặt bánh mì, người dân TPHCM đặt bánh mì nhiều nhất vào khung giờ sáng (8-10 giờ) và chiều tối (15-19 giờ). Người dân tại Hà Nội lại ăn bánh mì nhiều vào buổi trưa (11-13 giờ) và buổi tối (18-20 giờ).

Đặc biệt thú vị là, người dân tại TPHCM và Hà Nội đều đặt mua bánh mì nhiều nhất vào thứ Năm. Đơn hàng đặt bánh mì có khoảng cách từ nơi bán tới người đặt gần nhất là 10m, và xa nhất là 24km (trường hợp khách hàng ở huyện Bình Chánh, TPHCM đặt mua bánh mì thịt tại một tiệm nổi tiếng trên đường Lê Thị Riêng, quận 1).Diệu Tiên (tổng hợp)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn