MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gia đình chọn làm bánh mứt tại nhà trong dịp Tết để tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Phương Anh

Bánh mứt tại gia lên ngôi ngày Tết

PHƯƠNG ANH LDO | 12/02/2024 06:54

Thay vì mua thực phẩm có sẵn tại chợ, siêu thị, nhiều gia đình chọn cách tự làm bánh mứt tại nhà để phục vụ nhu cầu ăn uống dịp Tết. Với cách làm này họ vừa gắn kết các thành viên trong gia đình vừa tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiết kiệm chi tiêu

Khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi dịp đến Tết Nguyên đán là chị Lâm Thị Dung ở phường 10, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) lại tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh tét - loại bánh luôn có mặt trong ngày Tết Nam Bộ.

“Món bánh tét không quá cầu kỳ, chỉ cần gạo nếp, chuối, thịt mỡ là đã tạo được món bánh thơm ngon. Vì vậy, làm tại gia vừa tiết kiệm được chi phí mà mọi người trong nhà còn được thưởng thức món bánh thơm ngon, an toàn thực phẩm” - chị Dung nói.

Chị Dung cho hay, trước Tết 15 ngày, chị cũng làm xong vài hũ dưa kiệu để làm thức ăn chống ngán trong ngày Tết.

Bà Lý Lệ Liễu ở xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, mấy chục năm nay, gia đình bà đều không mua bánh mứt mỗi khi Tết đến mà tận dụng các loại trái cây trong vườn nhà để làm mứt.

Bà Liễu chia sẻ, mứt nhà làm chỉ đơn giản là trái cây, đường, lá dứa hay lá cẩm để tạo màu cho đẹp chứ không dùng chất bảo quản hay phẩm màu nên rất yên tâm khi sử dụng.

Gia đình bà Lý Lệ Liễu ở xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) quây quần bên mẻ mứt vừa sên xong. Ảnh: Phương Anh

“Mỗi mùa Tết, gia đình làm vài kg bánh mứt, vừa để cho con cháu ăn vừa biếu thông gia. Mọi người đến nhà chúc Tết, tôi đãi món mứt ai cũng khen ngon nên mình cũng vui” - bà Liễu nói.

Chị Lâm Thị Chi ở xã Thạnh Thới An, (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng cho hay, nhà có trồng chuối, dừa nên Tết đến chị đều dùng làm mứt. Theo chị Chi, nguyên liệu có sẵn, chỉ cần bỏ ít thời gian để làm đã có một món mứt thơm ngon lại tiết kiệm được một khoản tiền.

“Đây cũng là cách quản lý chi tiêu trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay” - chị Chi nói.

Gắn kết gia đình

Chị Lâm Thị Dung ở phường 10, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) tâm sự: “Gia đình tôi thích đồ ăn tự làm bởi khi bày lên cảm thấy gợi nhớ về Tết ngày xưa. Thông qua việc gói bánh hay làm mứt... tôi muốn con cháu hiểu được quy trình làm ra món sản vật đặc trưng truyền thống. Đồng thời còn là quà biếu ông bà, cha mẹ, hàng xóm với tấm lòng thơm thảo”.

Còn bà Nguyễn Thị Hiệp ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) thì chọn cách gói bánh dừa - một loại bánh truyền thống Nam Bộ.

“Các con đi làm ăn xa, Tết đến mới về nhà đông đủ. Gói bánh là dịp để mọi người quây quần bên nhau cùng chia sẻ về công việc, cuộc sống trong năm cũ và những hi vọng cho tương lai" - bà Hiệp nói.

Nhiều gia đình duy trì làm các món bánh truyền thống trong ngày Tết như sợi dây gắn kết các thành viên. Ảnh: Phương Anh

Chị Quách Huỳnh Thúy Diễm ở huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) cho chia sẻ, chị được mẹ chồng hướng dẫn cách làm các món bánh, mứt truyền thống. Sau bà mất, mỗi khi Tết đến, chị đều tự tay làm các món ngày xưa mẹ dạy để dâng cúng bà và đãi khách.

“Tôi làm những món này với sự chân thành, như một cách thức gìn giữ nếp xưa của gia đình. Khách đến nhà đãi bánh mứt, tôi đều khoe nhờ mẹ chồng truyền “bí kíp” - chị Diễm chia sẻ.

Theo bà Lý Lệ Liễu ở xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), trước đây, gia đình khó khăn nên tận dụng trái cây sẵn có như dừa, chuối, me, chùm ruột để sên thành mứt ăn dần trong ngày Tết. Sau này, cuộc sống khấm khá, bà vẫn duy trì làm mứt “tại gia” như để nhắc nhớ về một thời khó khăn trước đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn