MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi nói chuyện thân tình giữa các nhà báo và người làm du lịch ở Cồn Sơn nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Phong Linh

Báo chí gợi mở và câu chuyện thoát nghèo ở cù lao “4 không”

NHÂN PHƯỢNG LINH LDO | 21/06/2024 08:30

Nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi trở lại Cồn Sơn, nơi một thời từng được mệnh danh là “cù lao 4 không”. Dưới tán vườn chôm chôm chín đỏ, những nông dân ở đây đã ôn lại câu chuyện khởi nguồn cho mô hình du lịch cộng đồng từ sự gợi mở và đồng hành của những người làm báo, trong đó, có Báo Lao Động…

Sự gợi mở

Nhắc đến những ngày đầu làm du lịch, chị Phan Kim Phước (Năm Phước - nông dân đầu tiên tham gia làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn) bồi hồi: “Cồn Sơn khi đó gần như một thế giới cô lập, không tiếp xúc với bên ngoài nhiều. Nên khi nghe nói làm du lịch, tôi rất sợ vì nghĩ nó phải là cái gì đó to lắm, phải có nhiều tiền mới làm được…”.

Đó là những ngày tháng 5.2015. Chị Lê Thị Bé Bảy - người khởi xướng ý tưởng và dùng hết tâm sức gây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn - đã dành thời gian 3 tháng lặn lội khắp Cồn Sơn để chào hỏi, làm quen từng nhà, từng người nông dân thuyết phục họ tham gia làm du lịch nông nghiệp ngay chính mảnh đất của mình.

“Rất may khi đó, tôi có cơ duyên gặp và làm quen với nhà báo Hoàng Tuyên, đạo diễn Đỗ Khuê, đạo diễn Nguyễn Ái Nam, nhà báo Lê Thanh Nguyên cùng rất nhiều anh chị báo chí khác. Chính các anh chị đã động viên, hun đúc tinh thần, cũng như tận tình hướng dẫn, gợi mở và đồng hành cùng chúng tôi từng chút một” - chị Bé Bảy nhớ lại.

“Lúc đó, tôi với anh Lê Thanh Nguyên - nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL - thường chia sẻ nhiều với nhau về mô hình này. Anh Lê Thanh Nguyên tâm sự với tôi mong nhìn thấy một nơi ở đâu mà còn tình làng nghĩa xóm, ở đâu mà người ta còn sống tốt với nhau, ở đâu mà những ngôi nhà không có ranh rấp, ở đâu mà có những cánh cửa rộng mở, một ngôi làng mở…” - nhà báo Hoàng Tuyên tiếp tục câu chuyện.

Bắt tay hỗ trợ Cồn Sơn, các nhà báo đã phân tích, gợi mở để bà con thấy nội lực của mình. Lời khuyên đầu tiên các nhà báo đưa ra là mọi người cố gắng ai làm giỏi gì thì cứ làm món đó, đừng làm giống nhau.

Du khách thích thú quay cốm, hứng cốm nổ ở Cồn Sơn. Ảnh: Phong Linh

Những ngày đầu bỡ ngỡ

Chị Bảy Muôn - một trong những người đầu tiên tham gia làm du lịch, nay là Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn - thông tin thêm: “Ngày đó, Cồn Sơn là một cù lao “4 không”: Không điện, nước, trường, trạm. Những ngày đầu làm du lịch quả thật chúng tôi rất sợ. Gặp khách không dám tiếp chuyện. Thậm chí, bê đĩa cá ra nện lên bàn cái độp rồi chạy đi vì sợ. Sau đó các anh chị ở địa phương, các nhà báo kêu lại chỉ dẫn cặn kẽ từng chút một, từ cách đi đứng, ăn nói thế nào cho đúng… Thế rồi, từng bước, từng bước, chúng tôi thoát nghèo lúc nào không hay”.

“Anh Tuyên, anh Nguyên và các anh chị khác, họ đến đây không phải như một nhà báo mà như những người anh em. Các anh đến đây không phải dạy bảo mà đến như người trong gia đình, chia sẻ từng chút một bên mâm cơm với bà con, với cộng đồng ở đây. Quả thật, nếu không có các anh chị báo chí, bà con Cồn Sơn khó có được như hôm nay…” - chị Năm Phước nhớ lại.

Tái tạo và bền vững cho Cồn Sơn

Trở lại để nhìn thành tựu của Cồn Sơn sau 9 năm, nhà báo Hoàng Tuyên nói rằng, mình vẫn còn rất nhiều trăn trở: Cái mà Cồn Sơn làm được là đã gây được chú ý trong cộng đồng du lịch. Nhưng dấu ấn cơn đại dịch vừa qua là nỗi ám ảnh của nhiều người. Đến lúc nào đó, chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ nhiều hơn nữa về việc tái tạo lại những chỗ bị đứt gãy.

Chia sẻ về hướng đi mới của Cồn Sơn, chị Bé Bảy cho biết: “Chúng tôi tạo nhóm Zalo định kỳ 2-3 tháng/lần thông tin Cồn Sơn làm gì, có sự kiện gì để tạo sợi dây liên kết chặt chẽ hơn nữa trong cộng đồng và với báo chí. Mỗi khi có những sản phẩm mới, chúng tôi luôn mời báo chí đến trước để xem xét, đánh giá. Sắp tới, chúng tôi phải thay nhiều màu áo mới hơn nữa, đặc biệt là về cảnh quan, những vật dụng sao cho thân thiện với môi trường”.

“Người dân Cồn Sơn luôn coi tất cả anh chị em báo chí như người thân trong nhà. Cồn Sơn luôn mong muốn đón các anh trở về để dùng bữa cơm cộng đồng với bà con, với hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn”, lời nhắn nhủ của chị Bé Bảy trước lúc chúng tôi xuống đò rời Cồn Sơn như một sự ghi nhớ những đóng góp của báo chí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn