MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báo chí hiện đại và những thách thức nguồn thu

Linh Chi LDO | 11/06/2020 14:02

Sáng 11.6, Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" đã diễn ra tại Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội. Diễn đàn có sự tham gia của các nhà quản lý, lãnh đạo cơ quan báo chí với nhiều ý kiến, bàn luận sôi nổi xung quanh các khó khăn và giải pháp giải quyết những vấn đề kinh tế báo chí hiện đại.

Suy giảm nguồn thu – thách thức hàng đầu của báo chí hiện đại

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy – Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cho rằng việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các toà soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.

Đại dịch COVID-19 để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp truyền thông nói riêng. Phần lớn các toà soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục giảm nhiều hơn nữa. “Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời”, ông Lê Trần Nguyên Huy nói thêm.

Toàn cảnh diễn đàn “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu“. Ảnh: Văn Thắng

Với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỉ đồng, chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam. Có một thực tế, hiện, các doanh nghiệp lại lựa chọn quảng cáo qua các phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn, việc này dẫn đến việc giảm sút doanh thu nghiêm trọng.

Chính điều này khiến các cơ quan báo chí phải xoay sở bằng các nguồn thu khác như các hoạt động ngoài mặt báo, vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng những hành vi tiêu cực.

Hướng đi nào để kinh tế báo chí thoát khỏi khó khăn?

Tại diễn đàn, rất nhiều những phải pháp, hướng đi trong tương lai của các cơ quan báo chí và đặc biệt về vấn đề nguồn thu được các nhà quản lý, lãnh đạo cơ quan báo chí đưa ra. Trước vô vàn khó khăn, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Đây cũng là ý kiến của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Việc thuyết phục độc giả chịu bỏ tiền trong khi họ đã quá quen với những thông tin miễn phí là điều không hề dễ dàng, với những nội dung đủ thông tin, sâu sắc và riêng biệt sẽ thúc đẩy độc giả “rút hầu bao”. Và để làm được điều này, các cơ quan báo chí phải có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền, cùng với đó là đổi mới về nội dung, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng việc thu phí báo chí cần được các báo tiến hành đồng loạt: “Làm như vậy, vừa giúp báo tăng nguồn thu, vừa giúp cơ quan quản lý dễ dàng trong việc kiểm soát nguồn tin”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển cũng nhấn mạnh cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí. Hiện nay, các nhà mạng đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Bạn đọc đang đọc báo điện tử miễn phí, chỉ phải trả tiền mạng, trong khi đó các cơ quan báo chí vẫn phải chịu tiền mạng và không được thu lợi gì từ nhà mạng. Do đó, cần có chính sách giữa nhà mạng và báo điện tử về vấn đề chia sẻ lợi nhuận.
Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cũng đề xuất có cơ chế riêng cho các phóng viên, trang bị trang thiết bị để đội ngũ phóng viên có thể làm việc một cách tốt nhất. Ảnh: Văn Thắng.
Bên cạnh sự “tự lực cánh sinh”, báo chí cũng cần sự quan tâm một cách thiết thực từ phía Nhà nước. Nhiều lãnh đạo các báo đề nghị có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó là những kiến nghị về chính sách hỗ trợ thuế đối với báo chí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn