MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đê Ngòi Cỏ, xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê. Ảnh: Tô Công

Báo chí vào cuộc vụ đê trăm tỉ, người dân mong chờ được tái định cư

Tô Công LDO | 25/10/2023 15:22

Hơn một thập kỷ đã trôi qua, những gì mà dự án đê trăm tỉ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ để lại chỉ là nỗi thất vọng, khốn khổ của người dân xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê.

"Dọn" lịch sử để lại

​Những ngày này, xen lẫn niềm vui mừng của hàng nghìn người dân xã Điêu Lương khi tuyến đê Ngòi Cỏ đang được huyện Cẩm Khê đầu tư 30 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp là nỗi lo của 8 hộ dân mất đất, mất nhà từ năm 2011 vì dự án đê trăm tỉ. Đến nay, họ vẫn chưa thể tái định cư (TĐC) và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Tuyến đê Ngòi Cỏ, xã Điêu Lương. Ảnh: Tô Công

"Nhiều năm nay, không biết đã bao nhiêu cuốc xe chở cả người và đơn thư đi "gõ các cửa", bây giờ báo chí vào cuộc, huyện đã có chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra... Giờ chỉ mong các cơ quan được chỉ đạo làm đúng, làm nhanh giúp chúng tôi" - bà Bùi Thị Thiết - một trong tám hộ dân chia sẻ với phóng viên chiều 24.10.

Cũng trong chiều 24.10, trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Lam - Chủ tịch UBND xã Điêu Lương cho biết, dự án mới trên đê Ngòi Cỏ, hiện thi công đến hạng mục nền. Với việc thực hiện kết luận thanh tra, Văn phòng Đăng ký đất đai của huyện đang tiến hành đo đạc làm bản vẽ, thực hiện các quy trình thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho 8 hộ dân.

Khu TĐC được giao đất bằng “miệng". Ảnh: Tô Công

Trước đó, Thanh tra huyện Cẩm Khê đã chỉ ra nguyên nhân của sự việc trên là vì sai phạm, khuyết điểm từ việc giao đất của Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê; UBND xã Điêu Lương; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Qua đó, Chánh Thanh tra huyện Cẩm Khê kiến nghị với Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đồng thời, giao các cơ quan chuyên môn và UBND xã Điêu Lương hướng dẫn, thực hiện các thủ tục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, hoàn thiện việc cấp GCNQSDĐ cho 8 hộ dân và được Chủ tịch UBND huyện đồng tình.

Các hộ dân phản ánh đến phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Tô Công

​​Từ việc "cố đấm ăn xôi"

Ngày 28.3.2011, ông Hoàng Dân Mạc - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký Quyết định số 989 về việc phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư hơn 106 tỉ đồng.

Trước khi được phê duyệt, ngày cuối cùng của năm 2010, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đức Thiện đã ký văn bản số 1141, đề nghị huyện Cẩm Khê, xã Điêu Lương GPMB không bồi thường do nguồn vốn bố trí cho công trình còn hạn chế, Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để xây lắp công trình.

Khu TĐC tạm giao người dân gọi là "ba không" vì không điện, không nước, không sổ đỏ. Ảnh: Tô Công

Đó là lần đầu tiên, miền quê nghèo Điêu Lương đón một dự án lớn như thế, từ chính quyền xã cho đến người dân, ai nấy đều vui mừng, hi vọng "đại dự án" sẽ thay đổi bộ mặt nông thôn của quê hương.

Từ niềm hi vọng đó, người dân đã không mảy may suy nghĩ việc hiến đất để GPMB. Rất nhanh sau khi dự án được khởi công, hơn chục hecta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa và hàng nghìn mét vuông đất ở đã được hiến cho dự án.

Thế rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đến năm 2017, khi nguồn vốn chỉ đạt 48% so với tổng mức đầu tư, công trình mới chỉ đắp xong phần thân đê, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản dừng thực hiện dự án. Điều này đã để lại sự hụt hẫng, tiếc nuối cho hàng nghìn người dân xã Điêu Lương.

Không thể xây nhà trên khu TĐC "ba không", một trong tám hộ phải dựng lán tôn cho con ở tạm. Ảnh: Tô Công

Như loạt bài phản ánh của Báo Lao Động từ tháng 11.2022, trải qua thời gian, cả tuyến đê Ngòi Cỏ vẫn còn là đường đất xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải khốn khổ khi đi lại.

Nghiêm trọng hơn, năm 2015, từ việc giao đất TĐC bằng "miệng", đã có 8 hộ dân mất đất, mất nhà để GPMB cho dự án "ồn ào" của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ đến nay vẫn chưa được tái định cư và cấp GCNQSDĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn