MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023. Ảnh: Tô Công

Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Tô Công LDO | 09/03/2023 18:07

Ngày 9.3, tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023.


Dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH, lãnh đạo Cục Việc làm và lãnh đạo sở LĐ-TB&XH của 27 tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh, lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân.

Vì vậy, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Cùng với đó, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cũng là góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Tô Công

Ông Thanh nhận định, vượt qua 2 năm khó khăn vừa qua, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025. 

Để góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và các nghị quyết, kết luận của Đảng, hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ và Ngành giao, việc tổ chức Hội nghị "triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023" là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu, để khắc phục cũng như lường trước được những khó khăn sắp tới, cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra ở cả lĩnh vực lao động, việc làm.

"Trong bối cảnh như vậy, tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi đề nghị Cục Việc làm báo cáo chi tiết đánh giá triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2022 và định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đề nghị các đại biểu có mặt tại Hội nghị cùng tập trung thảo luận, góp ý" - ông Thanh đề nghị.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình lao động, việc làm tại địa bàn. Ảnh: Tô Công.

Cũng tại Hội nghị, ông Tà Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH đã nêu những định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện các văn bản về lao động, việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; hướng dẫn chỉ đạo các địa phương triển khai tốt thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và chỉ đạo các cơ quan chức năng và các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi nắm chắc tình hình thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động các địa phương.

Theo Báo cáo đánh giá của Cục việc làm, kết quả thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm như sau: Tính đến ngày 31.12.2022, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 61.074 tỉ đồng (dư nợ từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm: 4.457 tỉ đồng, dư nợ từ nguồn vốn NHCSXH huy động: 22.989 tỉ đồng, dư nợ từ nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH: 23.628 tỉ động, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 10.000 tỉ đồng).

Theo báo cáo của NHCSXH, năm 2022, doanh số cho vay đạt 35.568,9 tỉ đồng góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 1,7 triệu lao động. Trong đó, lao động nữ là 524.499 người (chiếm 30,7%), người khuyết tật là 158.965 lao động (chiếm 9,3%), người dân tộc thiểu số là 94.890 lao động (chiếm 5,56%).

Về lĩnh vực thị trường lao động, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người (tăng 1,1 triệu người). Số lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 50,6 triệu người (tăng 1,5 triệu người), trong đó thành thị là 18,6 triệu người, nông thôn là 31,9 triệu người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn