MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đang thiếu hụt nghiêm trọng bác sĩ ở khắp các khoa khám, chữa bệnh. Ảnh: Bảo Trung

Báo động nguy cơ khan hiếm bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở

Bảo Trung LDO | 13/06/2020 08:26
Tỉnh Gia Lai đang thiếu hụt nghiêm trọng bác sĩ ở các cơ sở y tế trên khắp các huyện, thị xã, thành phố. Mỗi năm, chính quyền địa phương đều tổ chức thi xét tuyển bác sĩ, cử người đi học nâng cao trình độ chuyên môn từ y sĩ lên bác sĩ... nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Đền bù để đổi lấy sự ‘’tự do’’

Theo thống kê của Sở Y tế Gia Lai, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ từ năm 2016 đến 2020 là gần 1.100 người, tính trung bình hơn 200 nhân sự/năm. Tuy vậy, gần 5 năm qua, toàn tỉnh chỉ tuyển thêm được khoảng 150 bác sĩ nhưng số lượng người nghỉ hưu đã hơn 60 người. Qua đó dễ thấy, tình trạng khan hiếm bác sĩ ở Gia Lai đang ở mức đáng báo động. 

Cũng trong mốc thời gian kể trên, tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước cũng chọn gần 300 người  để cử tuyển đi đào tạo sau đại học. Trong đó, 31 người nằm trong diện quy hoạch của UBND tỉnh; hàng chục người được cử đi đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II (CKI, CKII) theo dự án ADB... Tất cả chỉ nhằm mục đích cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, gây dựng niềm tin của người dân đối với ngành y tế địa phương.

Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, hàng loạt bác sĩ ở Gia Lai được chính quyền cử tuyển đi đào tạo sau đại học về đã rời cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh để đi tìm kiếm ‘’phương trời’’ mới. Họ chấp nhận đền bù toàn bộ chi phí được tỉnh tài trợ cho đi học để đổi lấy sự ‘’tự do’’. Một số ít khác viện lý do khó khăn về tài chính, không chịu đền bù chi phí đào tạo.

‘’Chúng tôi đã chọn những người ưu tú, cắt cử đi học để về cống hiến cho địa phương nhưng khi bằng nằm trong tay, trình độ chuyên môn đã vững vàng thì họ lại bỏ đi mất. Tình trạng này chỉ mới xuất hiện vào năm nay, trước đó chưa từng ghi nhận trường hợp nào. Họ đã chấp nhận đền bù chỉ để đổi lấy quyết định cho nghỉ việc. Lãnh đạo đơn vị đã cố thuyết phục như chẳng thể lay chuyển được. Chúng tôi chỉ sợ rằng sẽ xảy ra một tiền lệ xấu - đó là một số người sẽ tìm đủ mọi cách để được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm kiếm một tấm bằng giá trị rồi tìm nơi công tác tốt hơn, thay vì đóng góp cho địa phương’’ - ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế, cho hay. 

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Gia Lai than thở rằng, bệnh viện đang thiếu trầm trọng bác sĩ có chuyên môn ở khắp các khoa khám, chữa bệnh. Có người chỉ mới làm việc 1 ngày đã ngay lập tức xin nghỉ việc vì mức lương thấp, khó duy trì được cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Nếu bác sĩ đang sinh sống ở địa phương còn có thể gắng bám trụ lại để được gần gũi với gia đình nhưng đối với những người chấp nhận xa quê, đến Gia Lai lập nghiệp thì đây là vấn đề rất nan giải. 

Vẫn là bài toán nan giải?

Hiện nay, một số địa phương trên cả nước đưa ra chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các nhân tài ngành y có trình độ chuyên môn cao và thâm niên trong nghề. Ví như, ngoài mức lương cơ bản của nhà nước, họ còn được đơn vị chủ quản trả thêm một loạt khoản trợ cấp, hỗ trợ thêm nơi ăn chốn ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác...

‘’Gia Lai hiện vẫn chưa có chế độ đãi ngộ như vậy dành cho các bác sĩ. Họ vẫn hưởng lương theo quy định của nhà nước và phụ cấp thêm một khoản kinh phí nếu là thạc sĩ, tiến sĩ hoặc có trình độ tương đương như CKI, CKII. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tỉnh khó có thể thu hút được nhân tài ở các tỉnh bạn về “đầu quân”, cống hiến sức lực, tài trí. Hiện, những bác sĩ có chuyên môn giỏi chủ yếu tập trung công tác ở một số cơ sở y tế tại TP.Pleiku, còn các đơn vị tuyến huyện thì khá thưa thớt’’ - ông Hải thông tin.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Gia Lai rất dễ lâm vào cảnh ‘’khủng hoảng’’ bác sĩ. Từ đó, một loạt hệ lụy sẽ xảy ra và nghiêm trọng nhất đó là lòng tin của người dân đối với chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế (nhà nước) tại địa phương sẽ giảm sút. Thay vào đó, họ sẽ chọn lựa các bệnh viên tư nhân ở tỉnh hoặc kéo sang Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) hay thậm chí ra tận Huế, Đà Nẵng để điều trị bệnh tật.  

Sở Y tế Gia Lai sẽ xem xét đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho một số chuyên ngành quan trọng như gây mê, hồi sức, tim mạch. Ngoài ra, trong khi đợi chờ các đợt tuyển dụng viên chức, công chức, sở sẽ cho các cơ sở y tế được tuyển dụng hợp đồng lao động để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; nghiên cứu cấp thêm kinh phí để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho ngành y tế tỉnh nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn