MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau bão, nhu cầu vật liệu xâ dựng tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tăng đột biến. Ảnh: Trần Tuấn

“Bão giá” sau siêu bão số 10: Trái đạo lý

QUANG ĐẠI -TRẦN TUẤN LDO | 19/09/2017 06:46
Ngay sau bão số 10 vừa dứt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai các giải pháp chống “bão giá” do các tư thương lợi dụng nhu cầu đột biến sau bão để tăng giá.

Sau bão số 10 đổ bộ gây thiệt hại nặng nề, nhu cầu các vật liệu xây dựng như ngói, tấm tôn, tấm lợp phibroximăng…tăng đột biến, dẫn đến cháy hàng. Lợi dụng nhu cầu bức bách của người dân, một số hộ kinh doanh đã tăng giá các vật liệu thiết yếu này.

Trao đổi với PV Lao Động, chị Nguyễn Thị Tài (30 tuổi, thôn Hưng Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết, bão phá hỏng gần như hoàn toàn mái nhà, phải mua 150 tấm ngói phibroximăng để lợp lại. Giá mỗi tấm tăng 12.000đ; từ 53.000đ/tấm lên 65.000đ/tấm. Như vậy, chị đã phải chi 1,8 triệu tiền chênh lệch giá so với bình thường.

Hộ kinh doanh ở xã Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) tan hoang sau bão. Ảnh: QUANG ĐẠI

Một nguồn tin khác tại thị xã Kỳ Anh cũng cho hay: Bình thường ngói lợp Cừa có giá 3.200 – 3.500 đồng/viên nay tăng lên 6.000-8.000 đồng/viên; giá tôn 70.000 đồng/m2 nay tăng 100.000 đồng/m2; ngói Phú Phong bình thường 3.500 đồng/viên nay lên 10.000 đồng/viên; ngói lợp Đồng Tâm 20.000 đồng/viên nay 30.000 đồng/viên.

Biết là giá tăng hơn bình thường, và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân phải chấp nhận mua, vì không thể để cảnh nhà, mái hiên trơ trọi.

Thợ làm sắt, thợ nề… cũng trở nên khan hiếm. Một số gia đình được lực lượng vũ trang, cán bộ đoàn thể giúp đỡ…; một số khác phải tự làm lấy.

Tình trạng giá tăng sau bão gây bức xúc cho người dân. Trong khi người dân hoạn nạn, khó khăn; cả nước chung tay giúp đỡ, một số hộ kinh doanh lợi dụng tăng giá, là trái đạo lý. Một số gia đình càng thêm khó khăn.

Mặt khác, việc tăng giá như trên cũng trái quy luật thị trường. Bởi vì, một mặt hàng bán chạy, lợi nhuận cao, đúng ra phải giảm giá, khuyến mãi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết: “Bên cạnh các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão; chúng tôi cũng phải tính đến khả năng một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá và có giải pháp, để giảm khó khăn cho người dân”.

Ngay khi bão vừa dứt, ngày 17.9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công văn hỏa tốc số 5834, yêu cầu Sở Công Thương bảo đảm nguồn cung, không để khan hiếm hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyệt đối không để lợi dụng sau bão tăng giá, đặc biệt các mặt hàng: vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm…

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá theo quy định.

Sở Xây dựng chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp đủ hàng, đúng chất lượng, đúng giá, cam kết không tăng giá nhằm trục lợi.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Sở Tài chính theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả sau bão, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, rau xanh, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng… tham mưu kịp thời hỗ trợ thiệt hại do bão gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn