MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều điểm mới trong dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Ảnh: Hải Nguyễn

Bảo hiểm bắt buộc với chủ xe cơ giới: Nhiều điều chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân

Cao Nguyên LDO | 11/12/2020 07:55

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Trong dự thảo lần này, có rất nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm như mở rộng đối tượng và nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo; tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm; đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường…

Vì sao tỉ lệ tham gia bắt buộc của xe máy chưa cao?

Hiện nay, tỉ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe. Trong khi tỉ lệ tham gia của ôtô lên đến 90% trong tổng số trên 3 triệu xe.

Còn nhớ, vào giữa tháng 5.2020 để đối phó với đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông của cảnh sát giao thông trên phạm vi toàn quốc, nhiều người dân bắt đầu đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Lúc đó, bảo hiểm bắt buộc xe máy bỗng dưng bán chạy bất thường. Nhiều người nhớ lại việc mua thẻ bảo hiểm bắt buộc xe máy lần này bán chạy không khác gì đợt tổng kiểm soát đội mũ bảo hiểm vài năm trước, do tâm lý sợ bị phạt.

Chia sẻ trên các diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là việc bồi thường bảo hiểm phương tiện quá mất thời gian và nhiều thủ tục, thậm chí nhiều trường hợp mất thời gian sau đó không được chi trả…

Rất nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy, mạnh dạn hủy bỏ các quy định “làm khó” cho người dân khi làm thủ tục bồi thường…

Ông Trần Nguyên Đán - Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho hay, đại bộ phận người tham gia bảo hiểm xe máy đều cho rằng rất khó thu đòi bồi thường từ các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (xe máy). Lý do phổ biến là người tham gia không biết phải tìm hiểu cách thu đòi bồi thường như thế nào vì khi tham gia bảo hiểm không hề được tư vấn, cũng như hướng dẫn cách thức yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm một cách chi tiết, đầy đủ. Hơn thế nữa, chính vì không được tư vấn, nên còn khá nhiều người nhầm lẫn giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe.

Nhằm nâng cao số người tham gia bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới trong thời gian tới, đồng thời khắc phục những vướng mắc khó khăn, hoàn thiện chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho biết, ngành bảo hiểm nên học tập các nước trong khu vực và người dân cũng cần nâng cao ý thức. Chúng ta nên làm tốt các khâu thủ tục.

“Nếu có tai nạn, ở nước ngoài người ta cứ để xe ở hiện trường rồi gọi bảo hiểm, trách nhiệm còn lại thuộc về bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề này chúng ta chưa làm tốt”, ông Thịnh nói.

Sẽ đơn giản thủ tục...

Trong khi đó, một nhân viên bảo hiểm có uy tín ở Hà Nội (xin được giấu tên) chia sẻ với Lao Động rằng, nhiều khách hàng họ đang phàn nàn về thủ tục nhưng thực tế nếu nắm kỹ quy trình thì đó lại là điều dễ. Ví dụ khi xảy ra vấn đề (như tai nạn, va chạm giao thông…) cần phải gọi cho nhân viên bảo hiểm và giữ hiện trường. Lúc đó nhân viên bảo hiểm mới có cơ sở để làm thủ tục bồi thường cho khách hàng.

Và đặc biệt, mới đây chính Bộ Tài chính đã trình dự thảo thay thế Nghị định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, dự thảo Nghị định quy định, trong trường hợp các vụ tai nạn không xảy ra tử vong thì doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được chủ động thiết lập hồ sơ mà không phải thu thập tài liệu từ phía cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp vụ tai nạn gây tử vong, hồ sơ bồi thường phải bổ sung bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu là thu thập từ cơ quan công an.

Liên quan tới bồi thường bảo hiểm, dự thảo Nghị định quy định trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ vụ tai nạn, DNBH có trách nhiệm tạm ứng ngay cho người tham gia bảo hiểm theo hướng: Đối với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tử vong, 50% mức bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu; đối với vụ tai nạn chưa xác định được thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường thì tạm ứng mức tương ứng là 30% và 10%.

Ngoài ra, dự thảo lần này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm. Dự thảo Nghị định cho phép DNBH được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định (trong đó có số đường dây nóng), được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (hiện nay theo quy định DNBH cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng theo mẫu quy định của Bộ Tài chính).

Đồng thời, mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ôtô (hiện nay theo quy định, thời hạn bảo hiểm là 1 năm). Việc mở rộng thời hạn bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và cho DNBH.

Một điểm mới nữa là công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra cũng được quy định rõ tại dự thảo Nghị định. Theo đó, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các DNBH trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ chấn chỉnh, xử lý vi phạm kịp thời (nếu có), đồng thời ghi nhận các kiến nghị, phản ánh để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, việc giám sát bảo hiểm sẽ được giám sát thông qua hai hình thức, thứ nhất là giám sát tại chỗ, thứ hai là giám sát từ xa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn