MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vị trí, hướng đi của bão số 13. Nguồn: NCHMF

Bão số 13 rất khó lường, cần tiếp tục gọi tàu thuyền vào bờ

Vũ Long LDO | 14/11/2020 15:48
1 giờ ngày 15.11, vị trí tâm bão số 13 ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, giật cấp 14, cần khẩn trưng ứng phó.

Tiếp tục kêu gọi tàu thuyền trú tránh bão 13

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 14.11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế khoảng 210km, cách Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 200km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 1 giờ ngày 15.11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.

Để ứng phó với bão số 13, theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đối với tàu cá, bộ đội biên phòng đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện với 289.062 người. Hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.

Đối với tàu vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo, kiểm đếm tại các vùng cảng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có 261 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa.

Đà Nẵng sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, ứng phó với bão số 13. Ảnh: An Thượng

Hiện nay, khu vực bão dự kiến đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thủy, hải sản rất lớn, với 42.822ha, 150.609 lồng, bè nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Nguyễn Đức Luận lưu ý, các địa phương cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển. Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền khi bão đổ bộ.

Cần tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đặc biệt là kiểm soát, hướng dẫn các tàu vận tải, tàu vãng lai không đi vào khu vực nguy hiểm chịu ảnh hưởng của bão.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Đức Luận cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét;

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam rà soát và chủ động ngắt điện tại khu vực bão đổ bộ.

Bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn hạ du

Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ cơ bản tích đủ nước; Khu vực Nam Trung Bộ: Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và tỉnh Bình Thuận đạt 76-98% dung tích thiết kế, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận tích từ 60-80% dung tích thiết kế; Khu vực Tây Nguyên: Các hồ chứa trong đã cơ bản đầy nước, dung tích trung bình 89-96% dung tích thiết kế.

Các địa phương cần tổ chức vận hành linh hoạt hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình; đặc biệt quan tâm đối với các hồ đập xung yếu, hồ đang thi công.

Một số hồ chứa đang xả lũ như sau (mực nước/mực nước dâng bình thường, Qxả) như sau: Cửa Đạt (Thanh Hóa): 109,37m/110m, Qxả (lưu lượng xả-PV) 212m3/s; Ngàn Trươi (Hà Tĩnh): 48,9m/52m, hiện không xả; Kẻ Gỗ: 30,78m/32,5m, Qxả 10m3/s; Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) 42,19m/45m, Qxả 459 m3/s.

Về hồ chứa thủy điện, theo báo cáo của Bộ Công Thương, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ giảm, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành cụ thể: Các Hồ xả qua tràn (BắcTrung Bộ 7 hồ; Khu vực Tây Nguyên: 26 hồ).

Một số hồ chứa xả lũ như sau: Bình Điền: 82,38m/85m, Qxả 879m3/s; Hương Điền 55,73m/58m, Qxả 833m3/s; A Lưới 552,79m/553m, Qxả 142m3/s.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn