MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều điểm xung yếu của đê điều cần được xử lý cấp bách để ứng phó với mưa bão. (Ảnh minh họa)

Bão số 4 đổ bộ, còn 24 điểm sạt lở nguy hiểm cần xử lý cấp

L.V LDO | 29/08/2019 10:50

Đến 6h ngày 29.8, Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện/315.815 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4.

Tại cuộc họp triển khai giải pháp ứng phó với bão số 4 tổ chức sáng 29.8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận, hiện có 24 điểm sạt lở/41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Quỳnh Thọ - Nghệ An, Quảng Phú – Quảng Bình, Hải Dương – Thừa Thiên Huế, Vĩnh Mốc – Quảng Trị, Hội An – Quảng Nam, Cửa Đại – Quảng Ngãi, Phước Lộc – Bình Thuận.

Về hồ chứa thủy điện, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 83 hồ; trong đó có 1 hồ chứa thủy điện Suối Chăn 2 đang xả tràn với lưu lượng nhỏ dưới 10m3/s. Các hồ chứa thủy điện cắt lũ trên lưu vực sông Hồng ở mức thấp và đang tích nước trong thời kỳ tích lũ cuối vụ.

Các hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ ở mức 65-75% dung tích; đang xả tràn 3 hồ tại Quảng Ninh; khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp (30-50% dung tích thiết kế); khu vực Tây Nguyên ở mức trung bình (65-80% dung tích thiết kế).

Có 134 hồ hư hỏng và 62 hồ đang thi công (trong đó Thanh Hóa 22 hồ, Nghệ An 15 hồ, Hà Tĩnh 9 hồ).

Để ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền 358 tàu/2360 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm thoát ra ngoài, nhất là 9 tàu/102 lao động của Quảng Trị. Tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, lồng bè ven biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn. Không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, tiếp tục thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, nhất là khách du lịch trong dịp 2.9, ngư dân tại khu neo đậu. Huy động phương tiện, lực lượng khẩn trương thu hoạch lúa hè thu (còn 58.000ha, trong đó Thanh Hóa: 15.000ha, Nghệ An: 27.000ha, Hà Tĩnh: 10.000ha);

Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều (trong đó có khu vực đê biển Tây); hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc. Chủ động tiêu nước đệm; sẵn sàng vận hành bơm tiêu úng.

Đối với khu vực miền núi, trung du, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; Khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở...

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khôi phục sự cố. Sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc…

Từ sáng hôm nay (30.8), ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Từ nay đến 31.8, ở các tỉnh Trung Bộ có mưa to đến rất to; từ ngày mai đến ngày 2.9 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250-400mm; Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200-300mm; khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Đà Nẵng: 100-200mm; khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ: 50-120mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn