MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra đê điều ứng phó bão số 4 tại tỉnh Quảng Ninh ngày 16.8. Ảnh: PCTT

Bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An: Nguy cơ úng ngập, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều nơi

KHÁNH VŨ LDO | 17/08/2018 06:00
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ đêm 16.8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đến 10 giờ ngày 17.8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến bắc Nghệ An.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đối diện với lũ quét, sạt lở đất. Còn 102 sự cố đê điều cần giám sát chặt chẽ.

Nguy cơ ngập úng, sạt lở, gió giật

Do ảnh hưởng của bão, từ tối 16.8, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có gió mạnh dần lên cấp 6-7, tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); đến 22 giờ ngày 17.8, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Mặc dù bão đã suy yếu thành ATNĐ, nhưng cần đặc biệt cảnh giác với lũ lụt dữ dội và sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nhiều nơi.

Từ nay đến ngày 18.8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt).

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi và sông Mã có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, riêng sông Bưởi lên mức BĐ3 và trên BĐ3.

Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT-Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường kiểm ta công tác ứng phó với bão số 4 tại đê Cát Hải (Hải Phòng). Ảnh: PCTT

“Đau đầu” với 102 sự cố đê điều

Để ứng phó với bão số 4, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 36.314 phương tiện/137.774 người. Trong đó, tàu thuyền các tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An hoạt động trong vùng nguy hiểm 2.081 phương tiện/9.444 người (hoạt động ven bờ đi về trong ngày). Lồng bè các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 13.420 lồng bè, lều, chòi canh/17.036 người. Trong đó, đã vận động tuyên truyền 1.448 người (Nam Định, Thái Bình vào bờ tránh bão, số còn lại đã biết thông tin và cam kết sẽ vào bờ trước khi bão đổ bộ. Khu vực Hà Tĩnh Quảng Bình: 958 phương tiện/8.269 người; neo đậu tại bến 33.275 phương tiện/12.061 người.

Hiện nay có 102 sự cố đê điều do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3 (Phú Thọ 5, Hưng Yên 4, Thái Bình 11, Hà Nội 16, Nam Định 15, Hà Nam 21, Ninh Bình 26, Thanh Hóa 2, Nghệ An 1, Hải Dương 1). Hiện các địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu, tiếp tục theo dõi diễn biến và lập phương án xử lý các sự cố.

Có 61 công trình đê điều đang thi công dở dang: Thái Nguyên 2, Vĩnh Phúc 2, Bắc Giang 7, Hải Dương 5, Hưng Yên 1, Thái Bình 5, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Nam Định 5, Hà Nội 9, Hà Nam 1, Ninh Bình 7, Thanh Hóa 8, Nghệ An 3, Hà Tĩnh 4. Hầu hết là các công trình đang thi công hoàn thiện gia cố mặt cắt đê và các công trình kè bảo vệ đê...

Để ứng phó với bão số 4, từ sáng 16.8, Đoàn công tác của BCĐ Trung ương về PCTT do Bộ trưởng, Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đi kiểm tra vị trí xung yếu đê biển Hà Nam (Quảng Ninh). Đoàn công tác đã làm việc tại thị xã Quảng Yên cùng với Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long và đại diện các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4. Tiếp tục kiểm tra ứng phó với bão số 4 tại Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trần Quang Hoài cùng Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và Đoàn công tác đã đi kiểm tra vị trí đê xung yếu ở biển Cát Hải và nhà máy Vinfast.

Trước đó, để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4 và đợt mưa lũ sắp tới, từ 14-16.8, Tổng cục PCTT đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra một số cống trọng điểm xung yếu, như: Cống Tắc Giang tại K129+494 đê Hữu Hồng, tỉnh Hà Nam và cống Cẩm Đình tại K1+350 đê Vân Cốc (Hà Nội), dùng thợ lặn để kiểm tra các bộ phận của cống thường xuyên bị ngập sâu dưới nước. L.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn