MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bão số 5 hình thành trên biển Đông, nhiều địa phương chủ động di dời dân

Vân Trang LDO | 14/10/2022 16:44

Để ứng phó với cơn bão số thứ 5 (Sonca), các tỉnh Nam Trung Bộ đã chỉ đạo triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn của nhân dân là trên hết.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, từ 14 giờ ngày 14.10, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai di dời dân theo từng phương án cụ thể tại những khu vực sạt lở, khu vực ngập lụt ở vùng hạ du sông Bồ, sông Hương.

Hiện nay, mực nước trên các sông đang lên nhanh. Dự báo chiều tối 14.10, mực nước trên sông Hương và sông Bồ có thể đạt và vượt mức báo động 3. Mức độ rủi ro thiên tai được đánh giá ở cấp độ 3.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định chiều 14.10, tất cả học sinh ở vùng thấp trũng được nghỉ học. Ngày 15.10, học sinh toàn tỉnh nghỉ học để ứng phó với mưa lũ.

Ngày 14.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký công điện, yêu cầu khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền neo đậu an toàn, ứng phó với cơn bão số 5.

Các địa phương cử lực lượng bố trí canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này yêu cầu quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền; chủ động cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động khi vùng biển Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

Tập trung kiểm tra, rà soát, lên kịch bản chi tiết ứng phó lũ lớn và nguy cơ xảy ra sạt lở đất; kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.

Tỉnh Bình Định cũng đã yêu cầu tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến bảo đảm an toàn cháy nổ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn