MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Mai Văn Khiêm. Ảnh: Hoàng Linh

Bão số 5 và số 6 có bị dự báo "quá đà" về cường độ, phạm vi ảnh hưởng?

Long Vũ (thực hiện) LDO | 25/09/2021 09:35

PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời Lao Động liên quan đến công tác dự báo cơn bão số 5 và số 6.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, cả 2 cơn bão số 5 và số 6 vừa qua đều được dự báo phức tạp hơn, có vùng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng hơn so với thực tế. Liệu 2 cơn bão vừa qua có bị dự báo “quá với thực tế”?

- Qua theo dõi, đối chiếu với số liệu quan trắc thực tế và ý kiến của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống thiên tai, chúng tôi khẳng định không có chuyện dự báo quá diễn biến của hai cơn bão vừa qua.

Trong vòng 2 tuần giữa tháng 9, các tỉnh Trung Bộ liên tiếp chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão số 5 (tên quốc tế CONSON) và bão số 6 (tên quốc tế là DIANMU), 2 cơn bão này cùng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên và gây ra các đợt mưa rất lớn ở những khu vực này. Thiên tai mưa, bão xảy ra liên tiếp cho thấy sự phức tạp trong diễn biến thời tiết, khí hậu những năm gần đây.

Trước những diễn biến dồn dập của thiên tai, cụ thể là 2 cơn bão số 5 và số 6, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, dự báo từ rất sớm và bám sát diễn biến, cập nhật kịp thời, phù hợp với thực tế.

Đối với cơn bão số 5, ngành KTTV đã tập trung dự báo sớm, cảnh báo trước 5-6 ngày khi bão ảnh hưởng đến đất liền. Các thông tin đầu tiên (trước 4-6 ngày) tập trung vào việc dự báo những ảnh hưởng có khả năng xảy ra của cơn bão, các kịch bản tác động và những thay đổi có khả năng xảy ra của cơn bão này. Những bản tin trước 2-3 ngày tập trung dự báo khu vực trọng tâm, trọng điểm ảnh hưởng về gió mạnh, mưa lớn và những tác động ảnh hưởng khác của bão để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng chống.

Đặc biệt, việc dự báo bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trước khi vào bờ đã góp phần làm thông tin đầu vào hiệu quả để các cơ quan  hữu quan đưa ra các quyết định kịp thời trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 đang phức tạp trên cả nước.

Đối với bão số 6, ngành KTTV nhận thấy đây là một cơn bão hình thành trên biển Đông, có diễn biến di chuyển rất nhanh và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nên các bản tin dự báo, nhận định được phân tích kỹ lưỡng và ra quyết định nhanh và rất phù hợp. Mặc dù chưa có Đài KTTV quốc tế nào phát tin bão nhưng qua phân tích số liệu của Việt Nam chúng ta đã xác định được áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, nên chúng ta đã phát tin bão khẩn cấp và cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, đầy đủ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương thuộc khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thực tế gió quan trắc là cấp 8 ở huyện đảo Lý Sơn và cấp 6 ở Dung Quất (Quảng Ngãi) đúng như đã dự báo. Kết quả dự báo đã được Ban chỉ đạo Quốc gia PCTT đánh giá là sát thực tế, cả về diễn biến về cường độ, vùng ảnh hưởng và tác động của bão.

Thưa ông, trong trường hợp dự báo sai, thiệt hại về kinh phí là rất lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp đúng, thì sẽ cứu được tài sản, tính mạng của nhân dân. Liệu có phải vì vấn đề này mà cơ quan KTTV dự báo “quá đà” để “ngăn chặn nguy cơ từ xa”?

- Chúng tôi khẳng định không bao giờ có chuyện cơ quan KTTV dự báo quá đà để “ngăn chặn nguy cơ từ xa”. Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc PCTT và nhu cầu thực tiễn, chúng tôi đã xây dựng các phương án, công nghệ để nhận diện các nguy cơ thiên tai để có phương án dự báo từ xa, từ sớm hiệu quả.

Trong thời gian qua, ngành KTTV đã tập trung vào công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng đến bão, áp thấp nhiệt đới.

Quan trắc viên Trạm Thuỷ văn Mỹ Thuận - Đài KTTV khu vực Nam Bộ. Ảnh: Hoàng Linh

Các thông tin nhận định, cảnh báo sớm, cập nhật thường xuyên, bám sát diễn biến của thiên tai đã giúp các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động trong việc lên kế hoạch chủ động ứng phó với các diễn biến của thiên tai, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trên thực tế trong 2 cơn bão vừa qua và những đợt thiên tai gần đây, ngành KTTV đã tập trung mọi nguồn lực, kỹ thuật để phân tích, dự báo thiên tai. Bên cạnh đó, các dự báo của ngành KTTV đều có sự tham khảo, trao đổi thông tin dự báo với các nước, khu vực có nền khoa học KTTV tiên tiến nhất thế giới như Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. Thực tế cho thấy, các bản tin dự báo thiên tai, đặc biệt là bão của Việt Nam trong thời gian qua đã bám sát với diễn biến thực tế…

Khoa học về dự báo thiên tai KTTV trên thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, giới hạn nhất định mà các nhà khoa học đang tìm mọi biện pháp để thu hẹp. Những hạn chế, giới hạn này đến từ việc con người chưa thể hiểu hết được các cơ chế vật lý của khí quyển, của bão và các hiện tượng thiên tai, trong khi đó mạng lưới quan trắc còn thưa thớt, đặc biệt trên biển hầu như có rất ít số liệu quan trắc. Hơn nữa, chúng ta đang trải qua tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến thiên tai hoạt động trái quy luật, bất thường nên càng khó dự báo.

Chính vì vậy quan điểm, chiến lược phòng chống thiên tai mà Tổ chức khí tượng thế giới đã nhấn mạnh rằng, thiên tai là một cá thể có biến chứng rất thất thường, có thể thay đổi rất nhanh về cường độ cũng như phạm vi hoạt động. Khoa học không thể khẳng định chính xác 100% điểm ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm ở ngưỡng cụ thể mà chúng ta chỉ có thể đưa ra phạm vị ảnh hưởng và khả năng tác động. Chính vì vậy, bài toán ứng phó với thiên tai chính là quản trị rủi ro thiên tai, tức là phải lường trước được mức rủi ro có thể từ thấp đến cao. Ứng phó thiên tai mà bị động thì vô cùng nguy hiểm.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn