MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hộ dân sinh sống tại các khu vực nguy cơ sẽ bắt buộc phải di dời để bảo toàn tính mạng, tài sản trong cơn bão số 6. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bão số 6 Nakri đổ bộ tối nay, cảnh báo ngập sâu, hơn 44 nghìn hộ dân di dời

L.V LDO | 10/11/2019 11:32
Để ứng phó với bão số 6 Nakri, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của bão dã di dời 44.503 hộ dân với 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.

Ngày 10.11.2019, báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai cho biết:

Để ứng phó với bão số 6 Nakri, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó bão. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm ra khơi từ ngày 7-9.11; tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch cấm ra khơi vào ngày 10.11. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày 11.11.

Các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ với 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất (Quảng Ngãi: 13.227 hộ với 47.883 người; Bình Định: 14.456 hộ với 68.006 người; Phú Yên: 8.904 hộ với 31.601 người; Khánh Hòa: 7.916 hộ với 33.698 người).

Đến sáng nay (10.11) tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ với 693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn, chằng chéo 752 phương tiện và 200 nhà dân, 4 trường học; đưa 155 thuyền máy lên bờ; tỉnh Bình Định sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.

Ban chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1512/CĐ-TTg ngày 8.11.2019 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, triển khai các biện pháp ứng phó; tổ chức thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh bão.

Cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt

Mưa lớn: Từ ngày 10-12.11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng: 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa: 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm; khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc: 100-200mm.

Lũ: Từ ngày 10-12.11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nam Phú Yên, Nam Khánh Hòa và Bắc khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.

Lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.

Theo Báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực BTL Bộ đội Biên phòng (đến 16h00 ngày 9.11) đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện với 243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão. Trong đó:  Hoạt động, neo đậu tại khu vực giữa Biển Đông: 108 tàu với 2.729 lao động (các tàu đã nắm được thông tin và đã vào trú tránh tại các đảo hoặc di chuyển xuống phía Nam để tránh bão); hoạt động ven bờ, các vùng biển khác: 5.963 tàu với 34.031 lao động; neo đậu tại bến: 41.286 tàu/206.303 lao động; đã thông báo, hướng dẫn di chuyển, gia cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho 123.729 lòng bè nuôi trồng thủy sản với 9.566 lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn