MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh hưởng của bão số 8 gây mưa lớn, sạt lở núi tại Hà Tĩnh. Ảnh: PCTT

Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn rất nguy hiểm

Vũ Long LDO | 14/10/2021 13:10

Bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng gây mưa lớn kèm nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm. Các địa phương cần theo dõi, ứng phó. 

Sáng 14.10 tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức, ông Tăng Quốc Chính - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), Trưởng ca trực cho biết: Bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 7 giờ ngày 14.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, cách Thanh Hóa khoảng 220km, cách Nghệ An khoảng 230km, cách Hà Tĩnh khoảng 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên.

Dự báo 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành một vùng áp thấp và đi vào khu vực Thanh Hóa, Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông.

Sáng 14.10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão số 8. Ảnh: Ngọc Hà

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.992 tàu với 139.034 lao động neo đậu tại bến.

Còn theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hiện nay, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên-Huế có tổng chiều dài 1.346km (672km đê biển; 674km đê cửa sông); có 55 vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu và 16 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công…

Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: Đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình; đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An, đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trước thông tin về ảnh hưởng của bão số 8 và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Phạm Đức Luận nhấn mạnh: Tuy bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp. Sau cơn bão này, mưa lũ lại tiếp tục diễn ra kéo dài cần tiếp tục theo dõi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi và dự báo cung cấp kịp thời các thông tin về mưa bão mưa lũ sau bão.

Đặc biệt, cần lưu ý đợt mưa lũ từ  đêm 15 đến ngày 16.10, tại khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Tổng cục Thủy lợi cần theo dõi an toàn hồ chứa, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ đã đầy nước, cần lưu ý nhiều công trình đang thi công dở dang.

Các địa phương cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới tại khu vực phía tây ở Nghệ An, phía Tây Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Theo báo cáo  của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, ngày 13.10.2021, mưa lớn làm đường tỉnh 559B cũ (đường mới đang xây dựng, chưa hoàn thành) phía thượng lưu đập thủy lợi Rào Nan ngập sâu 0,5-2,3m gây ách tắc, hiện đang phân luồng lưu thông; đường liên xã Hung Trâu đi Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị sạt lở tại ngầm Cu Pi, vẫn chưa thông xe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn