MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh voi hoang dã được ghi nhận bằng bẫy ảnh tại Đồng Nai. Ảnh: H.Quỳnh

Bảo tồn đàn voi, đưa voi khỏi mục đích thương mại

Vũ Long LDO | 12/08/2022 15:59

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai các dự án bảo tồn, bảo vệ đàn voi khỏi mục đích thương mại.

Voi thuộc nhóm có quy chế bảo tồn cao nhất

Voi thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp – Công ước CITES. Ở Việt Nam, voi được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên) - bậc cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và được đưa vào nhóm có quy chế bảo tồn cao nhất, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.

Hằng năm, ngày 12.8 được chọn làm Ngày Voi thế giới. Được khởi xướng từ năm 2011, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, đến nay, Ngày Voi thế giới đã trở thành cơ hội để mọi người cùng nâng cao nhận thức về bảo vệ voi; tìm kiếm các giải pháp giảm xung đột giữa voi và người cũng như nỗ lực bảo tồn loài này trong tự nhiên. 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trên thế giới hiện còn có 3 loài voi: Voi đồng cỏ Châu Phi, voi rừng Châu Phi và voi Châu Á. Việt Nam là một trong 13 nước có voi Châu Á phân bố.

Ngoài việc quy định bảo tồn ở mức cao nhất, Chính phủ cũng đã lập kế hoạch hành động cho từng giai đoạn cụ thể.

Gần đây nhất Chính phủ đã đồng ý gia hạn thực hiện các hoạt động bảo tồn đến năm 2025 tại Quyết định số 413/QĐ-TTg ngày 31.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ: “Chúng ta đã làm được nhiều việc và ngăn chặn thành công xu hướng xung đột giữa voi và người xảy ra khá thường xuyên vào những năm 2009–2012. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện trong giai đoạn 2010-2020, nhưng nếu mục tiêu của việc bảo tồn một loài là đảm bảo rằng loài đó không chỉ tồn tại ngoài tự nhiên mà còn phải có khả năng tự phục hồi và tiếp tục phát triển ngoài tự nhiên thì với con voi, chúng ta còn cách mục tiêu đó một quãng đường khá dài”.

Bảo vệ voi Châu Á tại Đồng Nai

Các nỗ lực trong thời gian qua của các cơ quan nhà nước cũng đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành của các tổ chức phi chính phủ như WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên), AAF (Tổ chức động vật Châu Á), USAID (Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ)  tại các điểm dự án.

Riêng Tổ chức HSI (giúp vật nuôi cũng như động vật hoang dã trên toàn thế giới-PV) đã hỗ trợ từ góc độ hiện trường qua chính sách và thúc đẩy sự phối hợp của các nhà nghiên cứu, quản lý, thực thi và các chuyên gia trên cơ sở Dự án “Bảo vệ voi Châu Á tại Đồng Nai thông qua các giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn xung đột voi người một cách bền vững”. 

Dự án hiện đang thí điểm Chương trình giám sát quần thể tại Đồng Nai nhằm định dạng được từng cá thể voi với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Pruthu Fernando, người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm công tác bảo tồn voi, hiện đang là Chủ tịch Trung tâm phát triển Voi Sri Lanka và là thành viên Nhóm chuyên gia Voi Châu Á của IUCN. Quá trình này hiện đang cho kết quả khả quan và có thể tiến tới áp dụng ở các địa phương khác.

Ông Pruthu Fernando cho biết: "Hình ảnh thu nhận từ chương trình giám sát khá rõ rét và đa dạng cho thấy quần thể voi ở Đồng Nai khá tốt, có con cái, con non, con bán trưởng thành, con trong độ tuổi sinh sản, con đực trưởng thành và có vài con đực đang trong thời gian động dục. Điều đặc biệt là tất cả các cá thể này đều có thể trạng tốt”.

  

Bà Thẩm Hồng Phượng - Giám đốc HSI tại Việt Nam cũng cho hay, Tổ chức này đang nỗ lực phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và các bên liên quan để quần thể voi tại Việt Nam có khả năng tự phục hồi và phát triển ngoài tự nhiên. Hiện Tổ chức HSI ngoài việc thực hiện công tác bảo tồn tại hiện trường cũng đang gấp rút cùng với Tổng cuc Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2023-2032 tầm nhìn 2050.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn