MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cây thủy tùng hàng trăm năm tuổi ở đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn

Bảo tồn "kho báu" thủy tùng cho đại ngàn Tây Nguyên

Phan Tuấn LDO | 17/04/2022 06:00

Đắk Lắk - Thủy tùng là loại cây rừng quý hiếm, xuất hiện hơn 10 triệu năm trước và sinh cùng thời với khủng long kỷ băng hà. Hơn nửa thế kỷ qua, loại cây rừng này không tự mình sinh trưởng nên đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng, hiện nay, việc nhân giống thủy tùng bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần vào việc bảo tồn kho báu cho đại ngàn Tây Nguyên.

Sinh cùng thời với khủng long kỷ băng hà

Nhiều năm qua, quần thể thủy tùng được xem là kho báu vô cùng quý giá nơi đại ngàn Tây Nguyên. Theo Tiến sĩ Trần Vinh, quyền Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây thủy tùng xuất hiện cách đây hơn 10 triệu năm trước sinh cùng thời với khủng long ở kỷ băng hà.

Hiện nay, thủy tùng là loài cây rừng quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Xét rộng ra trên phạm vi toàn thế giới thì cây thủy tùng chỉ mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Việt Nam là nước cuối cùng có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên gồm 161 cây.

Do nhiều yếu tố khác nhau, nên gần nửa thế kỷ đã qua, ở Đắk Lắk không một cây con thủy tùng nào sinh trưởng, phát triển. Điều này cũng dẫn đến việc báu vật thủy tùng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nếu như trước đây, ở tỉnh Đắk Lắk, quần thể Ea Ral, ở xã Ea Ral, huyện Ea H'leo có 219 cây thủy tùng. Còn quần thể Trấp K’sơr, ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng là 31 cây và 5 cây ở Cư Né, huyện Krông Búk.

Khi biết giá trị của thủy tùng, nhiều người dân đã săn lùng loại cây này như vàng. Do đó, quần thể thủy tùng ở Cư Né với số lượng 5 cây, có độ tuổi từ 400-600 năm đã biến mất. Do đó, hiện nay, những cây thủy tùng còn sót lại ở các địa phương là báu vật vô cùng quý giá.

Cây thủy tùng qua các phương pháp nhân giống đã phát triển tốt, hứa hẹn góp phần bảo tồn cho kho báu của đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn

Bảo tồn cây thủy tùng cho mai sau

Để bảo vệ loài thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, năm 2011 UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án bảo tồn cây thủy tùng. Đến tháng 8.2012, Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng được thành lập.

Thời điểm này, cây thủy tùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm xuống còn lại 162 cây. Từ khi Ban Quản lý Khu bảo tồn được thành lập, 2 quần thể thủy tùng ở huyện Ea H’leo và huyện Krông Năng đã được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt nên ổn định phát triển. 

Chia sẻ về việc bảo tồn cây thủy tùng, lãnh đạo Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng Đắk Lắk cho biết, hiện nay, có 3 phương pháp nhân giống thử nghiệm cây thủy tùng đang được các cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện.  

Cụ thể, ông Võ Thành Tám (cán bộ đơn vị) tự mày mò nghiên cứu, thực hành ghép được hàng chục cụm chồi qua các rễ thở của cây mẹ. Những phần rễ xung quanh cây thủy tùng mọc nhô trên mặt nước giúp cây hô hấp, hàng chục chồi non được ghép cẩn thận, phát triển xanh tốt.

Một số cây thủy tùng phát triển khá tốt. Ảnh: Trần Vinh

Ngoài ra, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Gia Lai cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp ươm hom thủy tùng. Cuối cùng là Tiến sĩ Trần Vinh, quyền Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu thành công phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc.

Theo đánh giá, phương pháp ghép chồi trên cây bụt mọc của Tiến sĩ Trần Vinh có tỉ lệ cây sống đạt tỷ lệ cao, cây phát triển tốt hơn. Đến nay, sau 9 năm trồng thử nghiệm, số cây thủy tùng do Tiến sĩ Trần Vinh ghép trên cây bụt mọc trồng tại Trạm Trấp Ksor đã có chiều cao trên 5m, đường kính từ 15-25cm.

"Phương pháp nhân ghép trên cây bụt mọc đã được trồng thử nghiệm nhiều nơi tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và cây đang phát triển tốt. Tuy nhiên, để khai thác, đánh giá chất lượng gỗ thủy tùng nhân giống với nguyên chủng thì phải cần thêm thời gian" - tiến sĩ Trần Vinh cho biết. 

Chặng đường bảo vệ và phát triển cho thủy tùng vẫn còn rất dài và lắm gian nan. Để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ báu vật cho đại ngàn Tây Nguyên, các đơn vị chuyên môn mong muốn được các cấp, ngành tâm tạo điều kiện, bố trí thêm kinh phí để hoạt động ổn định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn