MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xã Krông Ana trước đây từng có vài trăm con voi nhà nhưng nay do bị “voi tặc” giết, voi già yếu, chết... nên chỉ còn có khoảng 7 - 8 con voi nhà sinh sống. Ảnh: Tiến Thoại

Bảo tồn voi ở Đắk Lắk, đã thấy ánh sáng cuối... đường hầm

Phan Tuấn - Tiến Thoại LDO | 14/07/2023 07:10

Đắk Lắk đã thực hiện nhiều chương trình, dự án... bảo tồn, giúp voi nhà sinh sản, nhân đàn. Nhưng hàng chục năm qua, rất nhiều chương trình, dự án chưa mang lại hiệu quả. Thậm chí thất bại vì số lượng voi nhà ngày một chết dần, chết mòn. Khi đang mông lung, chưa tìm được lối đi thì dự án cởi bỏ xiềng xích, trả lại bản năng sinh tồn cho voi nhà trở về rừng xanh ở Vườn quốc gia Yok Đôn được triển khai, được ví như ánh sáng ở cuối... đường hầm.

Kỳ 1: Chuyện buồn ở… buôn voi

Xã Krông Na, ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) được xem là vùng đất huyền thoại, bởi trước đây có hàng trăm con voi nhà sinh sống. Thế nhưng, khoảng 20 năm trở lại đây, voi nhà chết dần, chết mòn. Toàn buôn chỉ còn lại 7 - 8 cá thể voi nhà.

Ngày càng vắng bóng… voi

Một buổi chiều giữa tháng 7.2023, chúng tôi tìm đến thăm nhà già Y Búi Knul (78 tuổi), trú xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Khi biết chúng tôi đến hỏi thăm về voi nhà, ánh mắt già Y Búi Knul tỏ vẻ đượm buồn. Ông đảo mắt nhìn quanh buôn làng, rồi nói: "Tôi sợ một ngày không xa nữa, voi nhà rồi cũng sẽ rời xa con người, như mặt trời kia bị bóng đêm bao phủ".

Nơi đây là cái nôi của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nên được mệnh danh là “buôn voi”.

Các thế hệ trước đã sản sinh ra nhiều huyền thoại săn voi như: Y Thu Kul, Ama Pợ Pho Khăm, Ama Kông… Trong đó, ông Y Thu săn bắt được khoảng 500 con voi, ông Ama Kông săn bắt được gần 300 con voi.

“Thời trước, cứ ra đường là gặp voi. Voi trong buôn có khi ngang ngửa số trâu bò trong chuồng ở những nơi khác” - Y Búi Knul nhớ lại.

Tuy nhiên, theo năm tháng, khi những huyền thoại săn voi dần khuất núi, bóng voi trong buôn cũng dần thưa vắng.

“Hiện nay, ở vùng đất Buôn Đôn huyền thoại chỉ còn 7 - 8 cá thể voi của người dân” - già Y Búi Knul tiếc nuối.
Ngày trước voi Pắk Cú nổi tiếng khắp vùng vì có bộ ngà tuyệt đẹp. Thế nhưng, cũng vì bộ ngà mà voi Pắk Cú bị “voi tặc” theo dõi, sát hại.

Gần nhất, trong một đêm tối tăm tháng 10.2011, khi Pắk Cú được thả vào rừng tìm thức ăn thì đã bị “voi tặc” chém tổng cộng hơn 200 nhát để cưa lấy bộ ngà, cắt đuôi lấy lông.

Voi nhà được thoải mái vào rừng tự do tìm kiếm thức ăn. Ảnh: Phan Tuấn

Hơn 30 năm “khát” chú voi con

Trong những ngày hè, theo khách du lịch về vùng đất Buôn Đôn huyền thoại, chúng tôi bắt gặp một bé gái vừa chạy chân sáo, vừa nhí nhảnh hát: “Chú voi con ở Bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…”. Hát xong cháu bé liền quay sang hỏi người mẹ đi ngay bên cạnh: “Sao đi hoài mà không thấy voi con đâu hả mẹ?”.

Đang lúng túng chưa biết trả lời con thế nào thì người phụ nữ này chợt nhìn thấy một cá thể voi bằng đá được dựng ở đầu khu du lịch Buôn Đôn. Thế rồi, mẹ của bé dẫn cháu đến chụp hình bên tượng voi và nói đây là chú voi con ở Bản Đôn. Thế nhưng, cháu bé không thấy làm sung sướng vì cho rằng đó là voi giả. Bé muốn thấy voi con voi con ở ngoài đời…

Nhắc đến câu chuyện voi con, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lí bảo vệ rừng Đắk Lắk (Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk) cũng thở dài, trăn trở.

Theo ông Phước, hơn 30 năm qua, đàn voi nhà Đắk Lắk chưa sinh sản, buôn làng vắng bóng voi con. Giai đoạn 2017 - 2020, một số cá thể voi nhà được ghép đôi, mang thai nhưng vượt cạn không thành.

“Voi con bị chết ngạt, chết lưu, không có trường hợp nào sinh sản thành công” - ông Phước cho biết.
Theo anh Y Vinh, một nài voi tại huyện Lắk cho biết, cách đây vài năm, anh đã phối hợp cùng các chuyên gia tìm cách cho voi H’Ban Nang mang thai.

Trong thời gian voi mang thai, anh Y Vinh đã dành sự chăm sóc đặc biệt cho H’Ban Nang. Dù vậy, vào năm 2017 voi con Bắk Nô đã chết lưu trong bụng mẹ.

Nhiều chuyên gia về voi cho rằng, nguyên nhân chính khiến voi nhà ở Đắk Lắk gặp khó khi sinh sản vì đã già. Hơn thế, hàng chục năm qua, voi nhà Đắk Lắk cũng bị xiềng xích, nuôi nhốt riêng biệt, bị dày vò trong những cuộc vui của du khách, nên mất hết bản năng tự nhiên nên càng khó sinh sản hơn voi rừng.

Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và Dịch vụ (Vườn Quốc gia Yok Đôn) cho biết, tập quán chăn nuôi (xiềng xích), voi bị bắt cõng khách, không gian, môi trường sống bị thu hẹp… là những nguyên nhân cộng hưởng, tác động khiến voi nhà ở Đắk Lắk không thể sinh sản.

Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, số lượng voi nhà Đắk Lắk suy giảm rất mạnh. Những năm 1980, Đắk Lắk có khoảng 500 cá thể voi nhà, nay chỉ còn 36 cá thể. Hơn 30 năm qua, đàn voi nhà Đắk Lắk cũng chưa sinh sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn