MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân trong vùng di sản. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Bảo vệ Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với lợi ích cộng đồng

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 23/02/2023 08:25

Luôn xác định lợi ích từ bảo tồn, khai thác di sản trong phát triển cần đem lại lợi ích cho chính cộng đồng của di sản đó, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tràng An, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch để tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Tràng An

Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch. 

Để đảm bảo mục tiêu phát huy giá trị di sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan và bảo tồn Di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của di sản, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. 

Trong đó, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch. 

Thành công với mô hình "hợp tác công - tư" trong quản lý bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững ở Ninh Bình cũng góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc quản lý, khai thác kém hiệu quả di sản.  

"Hiện, Quần thể danh thắng Tràng An được bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, văn hóa và được quảng bá rộng khắp đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình cũng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của Di sản Tràng An... " - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng chia sẻ.

Tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản

Việc Tràng An được UNESCO vinh danh đã mang lại cho du lịch Ninh Bình một cơ hội và một diện mạo mới. Sự tác động của du lịch đã làm phong phú thêm sinh kế của cư dân địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản.

Du lịch phát triển đã mang lại cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương. Trong quá trình bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và xác định cộng đồng dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như "hạt nhân", góp phần tạo nên thành công trong công tác bảo tồn di sản ở Tràng An. 

Theo ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản “sống” với 44.000 người dân đang sinh sống, trong đó vùng lõi có trên 14.000 người trải rộng trên địa bàn 20 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. 

Quần thể danh thắng Tràng An hiện đang tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động trực tiếp, 20.000 lao động gián tiếp. Với quyết tâm quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Ninh Bình coi trọng đặc biệt đến việc nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và quản lý giá trị di sản. Từ việc sở hữu di sản, được hưởng lợi từ di sản, người dân sẽ chung tay bảo vệ, coi di sản là tài sản của mình. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn di sản với sinh kế bền vững cho người dân. 

"Chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép việc quán triệt các quy định của pháp luật, của tỉnh về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho những cá nhân, tổ chức đang tham gia làm du lịch và dịch vụ không chỉ riêng với vùng lõi, mà còn cả ở các vùng đệm tham gia" - ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, để tiếp tục bảo tồn di sản, bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục giao cho các đơn vị liên quan, chủ động rà soát, lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu, điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý di sản và làm cơ sở quy hoạch xây dựng, hình thành khu, điểm du lịch cộng đồng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch cũng như có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn