MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc phân loại rác từ nguồn chưa tiến hành đồng bộ. Ảnh: Thùy Trang

Bảo vệ trái đất từ những hành động nhỏ

Anh Phan LDO | 22/04/2024 09:03

Ngày hôm nay, 22.4 là ngày Trái đất - “Earth day”. Đây là chiến dịch hành động vì môi trường trên toàn cầu được tổ chức tại hơn 190 quốc gia. Chủ đề năm nay là tuyên chiến chống lại rác, đặc biệt là rác thải nhựa.

Vấn đề rác là một câu chuyện còn dài ở Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê: Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nylon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nylon.

Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nylon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đó là chưa kể mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất...). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và thu giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến cuối năm 2024. Theo Điều 79 của luật, việc thực hiện này phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31.12.2024.

Chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa phân loại rác tại nguồn sẽ phải thực hiện bắt buộc. Vậy Việt Nam đang chuẩn bị những gì? Hành lang pháp lý đã sẵn sàng, trong đó đáng lưu ý là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có quy định hộ gia đình, cán nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với một số hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối.

Trên thực tế hành vi vi phạm thì nhiều, thậm chí phổ biến nhưng lại ít người bị phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn