MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo nhiều chủ tàu chia sẻ, mức thu nhập của lao động nghề biển tùy thuộc vào phương tiện và vùng khai thác. Ảnh: Phương Anh

Bấp bênh những mảnh đời ngư phủ

PHƯƠNG ANH LDO | 11/09/2023 09:26

Toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 1.000 tàu đánh bắt ngoài khơi và xa bờ. Nghề khai thác thủy sản phát triển đã giải quyết việc làm cho 307.695 lao động, trong đó có 8.626 lao động khai thác trực tiếp trên biển (gọi chung là ngư phủ). Tuy nhiên, với những lao động này, đời sống và thu nhập của họ luôn bấp bênh theo từng con sóng.

Thu nhập nhờ may rủi

Ông Trần Văn Hồng ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có trên 45 năm theo tàu ra biển khai thác thủy hải sản. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 1 đến 3 tháng, sau mỗi chuyến, tùy vào sản lượng tôm cá, ông được chủ tàu chia lợi nhuận từ 30 - 60 triệu đồng.

Ông Hồng chia sẻ: Đi biển không tính công ngày hay tháng mà hầu như là sự đồng thuận ăn chia giữa bạn tàu (các lao động làm thuê - PV) với chủ tàu. Thông thường sau khi đánh bắt, trừ mọi chi phí, chủ tàu hưởng 6 phần, còn 4 phần chia cho bạn tàu. Vì vậy thu nhập phụ thuộc vào sự may rủi của chuyến đi. Chuyến nào nhiều tôm cá thì thu nhập khá, sản lượng giảm thì thu nhập cũng giảm theo.

“Đi biển, nếu đánh được nhiều cá tôm, từ ngư phủ đến chủ tàu đều vui, không khí lao động tấp nập. Nhưng khi kéo mẻ lưới lên ít cá thì mọi người buồn, bởi biết nguồn thu nhập giảm” - ông Hồng chia sẻ.

Cũng có trên 20 năm theo các tàu cá lênh đênh trên biển, ngư phủ Lê Hoàng Khanh ở Trần Đề (Sóc Trăng) cho hay: “Chuyến đi vừa rồi do sản lượng thấp nên tiền công của tôi chỉ được hơn 5 triệu, giảm 5-10 triệu so với những lần khai thác trước - chỉ vì ít cá tôm, dù vậy vẫn đủ để trang trải cuộc sống. Những tháng biển động tàu không ra khơi được thì coi như không có thu nhập, bởi ngư phủ là nghề chính của mình”.

Tính mạng trên đầu ngọn sóng

Bên cạnh thu nhập bấp bênh theo lượng tôm cá, đời ngư phủ còn gặp nhiều sóng gió. Ngư phủ Trần Văn Hồng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Trong suốt mấy chục năm đi biển, không biết bao lần gặp sóng to gió lớn. Hồi cơn bão số 5 (bão Linda năm 1997 - PV) tàu của ông đang khai thác ở vùng biển Sóc Trăng - Côn Đảo thì gặp bão.

Thời điểm ấy nhiều tàu trên biển bị sóng đánh chìm, nhiều người mất tích. Với kinh nghiệm 45 năm đi biển, ông Hồng đã lái tàu nương theo những con sóng khủng khiếp để đảm bảo an toàn cho tất cả những người trên tàu, ngư cụ và cả con tàu.

“Nghề biển tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì bởi ở đây ngư dân vẫn luôn gắn phận mình với sóng gió biển khơi” - ông Hồng cho biết.

Theo nhiều chủ tàu, mức thu nhập của lao động nghề biển tùy thuộc vào phương tiện và vùng khai thác.

Đối với tàu nhỏ, đánh bắt ven bờ thì thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/chuyến đi biển mỗi ngày; khai thác ở vùng lộng có thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/chuyến (1 đến 2 ngày); ngư phủ theo ghe lớn đánh bắt xa bờ có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến (mỗi chuyến từ 1 đến 3 tháng).

Ngoài ra, thu nhập cũng có sự khác nhau từ tài công (lái tàu), tài cải (sửa chữa máy móc, đổ xăng, dầu vào máy) và giàn bạn (ngư phủ trực tiếp khai thác).

Ông Lý Hoàng Chợ, Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt thủy sản Mỹ Thanh (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Hiệp hội có 82 phương tiện khai thác với 160 thành viên trực tiếp lao động trên biển, trong đó 50% là lao động làm thuê. Các phương tiện khai thác ở đây chủ yếu là tàu nhỏ đánh bắt ven bờ nên khi vào mùa mưa bão thường neo đậu nhiều hơn khai thác. Thêm vào đó sản lượng thủy hải sản những năm gần đây cũng sụt giảm nên đời sống các ngư phủ cũng giảm theo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn