MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Barie ngăn xe máy lên vỉa hè lại đẩy người khuyết tật xuống lòng đường

Cường Ngô LDO | 12/12/2017 14:27
Nhiều tuyến phố Hà Nội đã thí điểm lắp barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, tạo không gian cho người đi bộ như Tôn Đức Thắng, Ngọc Hồi. Tuy nhiên, barie lại gây khó khăn cho xe lăn của người khuyết tật đi trên vỉa hè.
Trong kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Hà Nội sáng 6.12 vừa qua, một đại biểu đề xuất lắp barie nhằm ngăn dòng xe cơ giới đi lên vỉa hè dành cho người đi bộ. Trên thực tế, một số tuyến phố ở Hà Nội đã lắp barie từ hơn một năm nay; điển hình như phố Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Ngọc Hồi.
Phố Nguyễn Thái Học (gần Văn Miếu Quốc Tử Giám) được lắp rào chắn sơn trắng, cao khoảng 80cm.
Các barie này được lắp tạo thành một lớp rào chắn ngăn phương tiện lên vỉa hè, dành không gian cho người đi bộ.
Một người dân sống ở phố Lê Duẩn cho hay: "Việc lắp barie ở một số tuyến phố đã có kết quả tích cực; ngăn chặn được tình trạng phương tiện tràn lên vỉa hè. Song vào giờ cao điểm, vẫn còn tình trạng người đi xe bất chấp có rào chắn lao lên vỉa hè".
Rào chắn tạo ranh giới giữa lòng đường và vỉa hè, ngăn xe máy với người đi bộ. 
Người đi bộ có thể dễ dàng di chuyển qua đây nhưng xe máy thì khó vì khoảng cách giữa các cột rất hẹp - khoảng 30cm.
Xe máy di chuyển trên vỉa hè đoạn từ ngã tư Tôn Đức Thắng phải vòng lại, xuống lòng đường vì hàng rào chắn.
Nhiều người cho rằng giải pháp chống xe máy lên vỉa hè bằng các thanh ngang tại một số nơi ở TPHCM hay các cột ở đường Tôn Đức Thắng (đoạn qua Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội) chỉ xử lý được một phần của vấn đề và gây bất tiện cho xe đẩy trẻ em, xe lăn của người khuyết tật. 
Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng: "Khi xã hội càng phát triển, người già, người khuyết tật cũng có nhu cầu tham gia giao thông. Ngày càng nhiều bố mẹ có nhu cầu dùng xe đẩy trẻ em trên vỉa hè. Lúc này, những kết cấu barie như trên sẽ bộc lộ bất cập và phải thay thế. Do đó, chúng ta cần tính toán làm sao để kết cấu barie chỉ cần làm một lần nhưng dùng lâu dài và không lạc hậu".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn