MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Hữu Đa (số nhà 15, ngõ 51 phường Văn Chương) lo lắng về tình trạng căn nhà của mình đang đứng trước nguy cơ đổ sập. Ảnh: Lan Nhi

Bất an sống bên dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội

LAN NHI LDO | 28/07/2022 06:49

Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội tiếp tục xin dời lịch về đích đến năm 2029 và xin tăng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, đã khiến cho nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này không khỏi lo lắng, họ buộc phải rao bán nhà, trả lại hoặc sang nhượng mặt bằng cho thuê. 

Sống trong cảnh bất an 

Trong căn phòng chật chội chưa đầy 20m2, ông Lê Hữu Đa (số nhà 15, ngõ 51 phường Văn Chương) chưa khi nào ngừng lo lắng về tình trạng căn nhà đang của mình đang đứng trước nguy cơ đổ sập, do tác động từ quá trình thi công ga ngầm dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội. Gần hai tháng nay, hai ông bà đã phải tìm cách chuyển đồ đạc, giường ngủ ra phòng khách vì toàn bộ kết cấu nhà ở, buồng ngủ, công trình phụ đã xập xệ, nứt toác thành những mảng lớn. 

Căn nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng điều ông Lê Hữu Đa lo lắng nhất đó là tuổi già, tình trạng sức khoẻ của bà Chu Thị Thắm (vợ ông) ngày càng trở nặng. Với đồng lương hưu 8 triệu đồng/tháng, hai ông bà chỉ vừa vặn chi trả đủ tiền sinh hoạt, thuốc men hằng tháng, chấp nhận sống chung với nỗi lo căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ông Lê Hữu Đa nói: “Trước đó, UBND phường Văn Chương, đại diện nhà thầu Hyundai - Ghella và đại diện gia đình đã có buổi làm việc để xác định mức độ xuống cấp của ngôi nhà. Sau đó, nhà thầu đã đề nghị hỗ trợ cho gia đình tôi tiền thuê nhà 5 triệu đồng/tháng, chi trả cho đến khi thi công xong công trình này. Tuy nhiên, thực tế phía nhà thầu chỉ hỗ trợ cho gia đình trong vòng 5 tháng. Những tháng sau đó, hai vợ chồng tôi đành phải chấp nhận, "nhắm mắt" quay trở về căn nhà cũ với vô vàn nỗi lo".

Lo mất kế sinh nhai 

Lại một lần nữa dự án xin dời lịch về đích, ông Trần Văn Toàn (SN 1970, kinh doanh thời trang phố Kim Mã) đã rất ngán ngẩm với cảnh dự án liên tục chậm tiến độ, dù chủ đầu tư đã hứa hẹn nhiều lần nhưng 4 - 5 năm trôi qua, toàn bộ vật liệu xây dựng trong công trường vẫn chất đống ngổn ngang, han rỉ, nằm yên một chỗ.

Trước kia, thời điểm còn làm ăn được, mặt bằng tầng 1 rộng khoảng 30m2 nhà ông Toàn thường cho thuê với giá 15 - 30 triệu đồng/tháng. Nhưng từ ngày dự án trây ỳ, nhiều nhãn hiệu trên tuyến phố sầm uất này đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì quá vắng khách, tình hình kinh doanh ế ẩm, gia đình ông cũng mất đi nguồn thu nhập chính. 

“Mặc dù địa điểm đẹp, giá cho thuê hợp lý nhưng cả năm trời tôi treo biển hạ giá cũng không có ai đến hỏi thuê. Nhiều hộ gia đình tại đây cũng đã phải liên tục đăng tin bán nhà để chuyển đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Vì đã mất đi nguồn thu nhập chính, trải qua dịch COVID-19 hàng hoá bị ứ đọng nên gia đình tôi cảm thấy chưa lúc nào khó khăn như thời điểm này. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình mấy năm nay đã bị “xoá sổ”, đều phải dựa vào con cái đi làm gửi về” - ông Toàn chia sẻ. 

Nghe tin dự án vừa xin lùi thời gian hoàn thành, chị Nguyễn Thị Bích (chủ cửa hàng nội thất ở phố Kim Mã) cũng ngày đêm bất an khi tường nhà liên tục bị nứt, bung lớp vữa ra ngoài. Từ năm 2020, gia đình chị Bích đã liên tục làm đơn kiến nghị lên phường, chủ đầu tư phải nhanh chóng đưa ra phương án đền bù, có giải pháp khắc phục để gia đình chị an tâm làm ăn, sinh sống… nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 

Cả con phố sầm uất ngày nào giờ cũng đang đóng cửa, hàng quán đìu hiu, mất đi nguồn thu nhập chính, bà Trần Thị Thoa (SN 1960, Kim Mã) cũng phải chắt chiu từng đồng để chi trả tiền điện, tiền nước và những chi phí khác để duy trì cuộc sống. Không có khách thuê, nhiều hôm bà Thoa còn phải tranh thủ bán bó rau, vại dưa để đỡ lãng phí mặt bằng. Trên con phố, thi thoảng lại có vài ba cửa hàng treo biển bán quần áo đồng giá 30.000 - 50.000 đồng/chiếc, điều mà trước kia những người dân ở đây chưa từng thấy...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn