MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) được công nhận đạt chuẩn NTM từ nhiều năm nay nhưng đường giao thông hư nát vì nợ nần. Ảnh: Nguyễn Trường

Bất cập chương trình mục tiêu quốc gia: Sau khi về đích "Nông thôn mới" nhiều xã còng lưng gánh nợ

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 17/11/2021 09:00
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới (NTM),  đã ồ ạt đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng để hoàn thiện các tiêu chí. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt khi chưa bố trí được nguồn vốn dẫn đến tình trạng sau khi về đích NTM, nhiều xã còng lưng gánh nợ, nhiều công trình được đầu tư tiền tỉ nhưng không mang lại hiệu quả và bỏ hoang gây lãng phí lớn.  

Chạy theo tiêu chí NTM, nhiều công trình bạc tỉ bỏ hoang

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện nay nhiều xã dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn nợ tiêu chí. Cụ thể như xã Lai Thành, Như Hòa, Cồn Thoi và Xuân Chính (huyện Kim Sơn); xã Gia Lạc, Liên Sơn (huyện Gia Viễn)... Bên cạnh đó, nhiều xã vì chạy theo tiêu chí NTM đã bỏ tiền tỉ ra để xây cơ sở hạ tầng nhưng không mang lại hiệu quả, thậm chí nhiều công trình sau khi hoàn thiện xong thì bỏ hoang.

Đơn cử như tại xã Văn Phong (huyện Nho Quan) được công nhận đạt chuẩn xã NTM vào năm 2016. Thời điểm đó, xã "nợ" lại tiêu chí môi trường, trong đó có nội dung tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia. Đến nay đã 5 năm trôi qua, xã này vẫn chưa trả xong "nợ" tiêu chí xây dựng NTM.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phong - cho biết: Thời điểm xã đạt chuẩn NTM nhưng "nợ" tiêu chí môi trường, trong đó có nước sạch nông thôn, vì năm 2014-2015 trên địa bàn xã đang triển khai xây dựng dự án nhà máy nước sạch. Nhưng do nguồn vốn quá lớn, sử dụng không hiệu quả nên dự án không thực hiện tiếp. "Hiện nay, toàn xã mới có 3 thôn có đường ống nước sạch đi qua, 3 thôn còn lại chưa có. Người dân đang sử dụng nguồn nước mưa, giếng khoan, giếng đào… để sinh hoạt hằng ngày. Chúng tôi đang đấu đến năm 2023, 100% dân trong xã sẽ được sử dụng nước sạch" - ông Sáu nói.

Một nghịch lý hiện nay, nhiều xã "nợ" tiêu chí NTM vẫn chưa trả xong, trong khi đó có những địa phương bỏ tiền tỉ ra để xây chợ chạy theo tiêu chí NTM, nhưng chợ xây xong thì bỏ hoang, gây lãng phí như tại xã Gia Tiến, Gia Vân (huyện Gia Viễn), thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), xã Ninh Tiến (Thành phố Ninh Bình)... Trong số này phải kể đến là ngôi chợ trung tâm xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn), ngôi chợ được xây dựng trên diện tích 3.240m2 với tổng mức đầu tư gần 15 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Năm 2016 chợ hoàn thành và năm 2017, xã Gia Tiến được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, kể từ khi ngôi chợ này được hoàn thành đến nay vẫn chưa một lần đi vào hoạt động.

Nhiều xã còng lưng gánh nợ

Trong quá trình xây dựng NTM, các xã đều tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm... nhằm đáp ứng các tiêu chí về xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt, nhiều dự án khi chưa được bố trí vốn dẫn đến tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản tại các xã tăng cao. Xã ít thì vài chục tỉ, xã nhiều lên đến cả trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là, dù nợ nhiều như vậy nhưng hầu hết các xã đều chưa bố trí được nguồn để chi trả.

Cụ thể như tại xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư) hiện nợ gần 20 tỉ đồng, nhưng cũng chưa biết lấy nguồn ở đâu để chi trả. Bà Vũ Thị Phong Lan - Chủ tịch UBND xã Ninh Khanh - cũng thừa nhận nguyên nhân dẫn đến việc nợ đầu tư xây dựng cơ bản là do địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM nên phải đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng các tiêu chí về đích NTM và tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu. "Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đấu giá một số khu đất trên địa bàn xã để lấy nguồn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa thể tổ chức được" - bà Lan nói.

Xã Cúc Phương (huyện Nho Quan), cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Đinh Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã - cho biết: Xã về đích NTM vào năm 2020. Đến nay, xã đang nợ khoảng gần 30 tỉ đồng vì một số công trình còn dở dang, chưa hoàn thiện nên chưa thể xác định con số nợ cụ thể được. "Nguồn kinh phí duy nhất để trả nợ là trông chờ vào đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên do đặc thù là xã miền núi nên giá trị đất cũng thấp" - ông Xuân nói.

Tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản sau khi về đích NTM xảy ra ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng cao là do các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kịp hoàn thiện các tiêu chí về NTM.

Ông Hoàng Khắc Tiệp - Chủ tịch UBND huyện Nho Quan - cho biết: UBND huyện đang giao cho các đơn vị tiến hành rà soát lại tổng số nợ của từng xã để có kế hoạch xử lý. "Xây dựng NTM thì xã nào cũng nợ vì phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện các tiêu chí về NTM... giải pháp để có nguồn trả nợ chủ yếu dựa vào đấu giá quyền sử dụng đất" - ông Tiệp nói.

Những thành tựu mà Ninh Bình đã đạt được trong việc thực hiện chủ trương xây dựng NTM là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, làm sao để về đích NTM một cách bền vững, không chạy theo thành tích là điều mà người dân luôn mong muốn.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình có 109/119 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có một xã đạt NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 4 huyện là Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô đã được công nhận đạt chuẩn NTM và Thành phố Tam Điệp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024 theo đúng Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn