MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động kiểm dịch động vật nhập khẩu. Ảnh minh hoạ: Văn Giang

Bất cập khi giao hải quan kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 29/11/2021 10:30

Nhiều nội dung trong dự thảo Nghị định mới về kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu do Tổng cục Hải quan xây dựng đang gây nhiều tranh cãi. 

Tranh cãi vai trò của hải quan 

Mới đây, Dự thảo Nghị định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được trình các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Dự thảo Nghị định do Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng.

Mục tiêu của nghị định mới nhằm cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức. 

Quy định rõ vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thể hiện thông qua nhiệm vụ: Thu thập, xây dựng cơ sở xử lý dữ liệu, kiểm tra hồ sơ điện tử về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; xây dựng, quản lý và vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo các chức năng, thực hiện yêu cầu theo mô hình mới.

Tuy nhiên, Dự thảo này đang gây nên nhiều tranh cãi với một số nội dung chưa đạt được sự đồng thuận từ các các ngành có liên quan. 

Cụ thể, theo dự thảo này, cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra chặt, thông thường.

Cùng đó, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ phương tiện nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; Sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu…

Nhiều ý kiến phản ứng 

Ngày 28.11, cho biết ý kiến về dự thảo nghị định này, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tỏ ra rất bức xúc. Ông Đáng chỉ ra nhiều điểm mà dự thảo Nghị định đưa ra không phù hợp thực tế, cần phải điều chỉnh lại.

Theo đó, về vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về chuyên ngành để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng, tính chất suốt đời sống sản phẩm cũng như phải phân tích được các chất ô nhiễm, sự tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật. Cơ quan hải quan không thể quản lý và thực hiện được nội dung này.

Vấn đề thứ hai là phân tích nguy cơ (đánh giá nguy cơ, kiểm soát nguy cơ và truyền thông nguy cơ), PGS.TS Trần Đáng đánh giá, nguy cơ bao gồm nhận diện xác định mối nguy, mô tả đặc điểm mối nguy, lượng giá sự phơi nhiễm và mô tả đặc điểm nguy cơ. 

"Thực hiện các nội dung này chỉ có ngành y tế và ngành nông nghiệp. Hải quan hoàn toàn không làm được" - ông Đáng cho biết. Vị chuyên gia cũng cho rằng, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành và thực hiện thì có thể gây ra một số nguy cơ, hậu quả như nguy cơ về các mầm bệnh gây bệnh ô nhiễm vào thực phẩm mà không kiểm soát được; thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta, nhất là tràn vào qua biên giới. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Long - Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trong dự thảo Nghị định, ở điều 1 không có nội dung liên quan đến kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, tương tự, nhiều điều khoản khác cũng không đề cập đến kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật. Tuy nhiên, điều 7, điều 25 và điều 26 của dự thảo Nghị định lại có các nội dung quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu nhưng không phù hợp với Luật Thú y, chưa bảo đảm yêu cầu về khoa học, thực tiễn.

"Hiểu như dự thảo Nghị định này thì cơ quan thú y sẽ không còn nhiệm vụ kiểm dịch tại các cửa khẩu nữa. Nếu giao cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành, thì sẽ không đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành như Luật Thú y.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến từng mặt hàng, cơ quan chuyên ngành, đòi hỏi cán bộ có chuyên môn sâu và quy trình kiểm tra phù hợp với từng loại sản phẩm động vật. Với một số mặt hàng, người lấy mẫu, kiểm tra phải được tập huấn, đào tạo chuyên ngành, có chuyên môn mới được cấp chứng chỉ để thực hiện” -  ông Nguyễn Văn Long nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn