MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác đổ đầy đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TPHCM. Ảnh: NAM DƯƠNG

Bất cập trong xử lý rác

CAO HÙNG LDO | 16/10/2017 10:09
Không phải ngẫu nhiên, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8.2017 vừa qua, đích thân Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã xuống tham quan Nhà máy điện rác Gò Cát, nhằm tìm giải pháp thay đổi cách xử lý rác lâu nay ở TPHCM (tức chôn lấp). Chuyện xử lý rác ở TP lớn nhất nước này vẫn luôn ẩn chứa nhiều bất cập cần phải giải quyết…

Với hơn 10 triệu dân, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 8.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Hầu hết khối lượng rác thải trên được đưa về xử lý tại hai khu liên hợp xử lý chất thải để xử lý. Tuy nhiên, đủ thứ nghịch lý, hạn chế xung quanh… rác. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng GĐ Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị - cho biết: “Một tuyến đường, có tới 4 đơn vị phụ trách vệ sinh gồm: Công ty Dịch vụ công ích các quận - huyện, Công ty công viên cây xanh, Công ty quản lý cầu phà và Công ty quản lý công trình giao thông. Tại chỗ giao nhau giữa các quận - huyện, phải thêm đơn vị thứ 5 là Cty môi trường đô thị”.

Ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TPHCM - nói: “Chính có sự trùng lắp về phạm vi và tính chất công việc quét dọn rác, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh môi trường”. Thêm vào đó, việc thu gom rác giữa hai lực lượng công lập và dân lập cũng phát sinh nghịch lý.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt: “Việc gom rác buộc phải đồng nhất phương tiện thu gom. Chúng tôi đề nghị lực lượng rác dân lập cải tiến công nghệ thu gom, nhưng họ không nghe, nên nảy sinh nhiều bất cập hơn…

Công lập yêu cầu phải đem rác từ hộ dân ra điểm hẹn là 18 giờ. Song, với dân lập, thích thì họ đem ra đúng giờ, không thích, họ mang ra giờ khác, xe rác công lập chưa tới kịp để vận chuyển rác, nên rác đổ tràn trên đường… Chưa kể, lực lượng dân lập nhận tiền chủ nguồn thải, lén lút đổ bừa ra vùng ven, buộc lực lượng rác chính quy phải thu gom…”.

Về trạm trung chuyển rác, cũng bất cập không kém. Hiện nay, điểm hẹn và trạm trung chuyển rác trên các địa bàn đều trong tình trạng không có, hoặc khan hiếm. Thậm chí, ở một số quận - huyện, còn không cho Cty vận chuyển rác… đậu xe để gom rác(?). Đơn cử như tại quận Bình Thạnh, buộc phải dẹp bỏ trạm trung chuyển, nhưng sau đó phát sinh tới 40 điểm hẹn - đồng nghĩa, từ một điểm gây ô nhiễm, phát sinh thành 40 điểm ô nhiễm mới.

Báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TPHCM cho biết: Toàn TPHCM có 31 trạm trung chuyển rác (tức bô rác), nhưng trong đó chỉ có 5 trạm đạt tiêu chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo sơ bộ và 13 trạm còn lại chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia môi trường, thì con số 31 trạm trên, là chỉ tính những bô rác trọng điểm. Còn nói nôm na các bô rác đại trà, thì toàn TPHCM phải là 500 bô rác.

Ông Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia về đô thị học thuộc Trường ĐH KH-XH-NV TPHCM - cho rằng: “Một TP, mỗi ngày cho ra gần 8.000 tấn rác thải sinh hoạt; vậy mà chỉ có 31 trạm trung chuyển rác. Trong đó, lại có tới 5 trạm đạt chuẩn, đây là điều đáng lo ngại. Bởi, muốn có một đô thị sạch sẽ, văn minh, hiện đại, thì không thể không chăm chút, đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường. Việc chăm chút, cải tạo các bô rác là một việc nhỏ trong công tác này, nhưng hết sức quan trọng, không thể bỏ qua”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn