MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sập taluy ở Đà Lạt khiến 2 người chết. Ảnh: Hữu Long

Bất cập về quy hoạch khiến Đà Lạt liên tục ngập lụt, sạt lở

Hữu Long LDO | 04/07/2023 07:26

Nhiều công trình bêtông hóa, nhà kính xây dựng ở Đà Lạt đã tác động xấu đến cảnh quan, môi trường tự nhiên. Hậu quả ai cũng nhìn thấy khi Đà Lạt ngập lụt, sạt lở diễn ra ngày một nhiều và nghiêm trọng.

Chạy đua khắc phục sự cố sạt lở

Tại khu vực trong hẻm thuộc đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 - nơi bị sạt lở khiến 2 người tử vong vào sáng 29.6, TP Đà Lạt đã đánh sập bờ taluy bằng bêtông cao hàng chục mét để giảm thiểu các rủi ro tiếp theo do bờ taluy đã đứt gãy.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt - cho biết, sau khi xử lí bờ taluy sạt lở, Đà Lạt tiếp tục di dời toàn bộ người dân, tài sản của các gia đình nằm trong vùng bị ảnh hưởng ra ngoài đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - thông tin, nhằm ngăn ngừa sự cố tiếp tục xảy ra, đảm bảo an toàn tại khu vực, trước mắt sở phối hợp với chính quyền TP Đà Lạt thực hiện đồng thời một số biện pháp như giảm áp lực lên taluy bằng cách lấy đất sau lưng tường; tạo dòng thoát nước tại khu vực, tiến hành phủ bạt phần đất trên đỉnh taluy, hạn chế nước mặt ngấm vào đất làm tăng áp lực lên thân tường.

Chính quyền UBND TP Đà Lạt cho biết, sẽ kiên quyết xử lí, tháo dỡ nhà tạm, các công trình phụ lấn chiếm hành lang các khe suối, nhằm bảo đảm việc thoát nước thông suốt.
Bên cạnh việc làm tốt công tác trật tự xây dựng, TP Đà Lạt đang bám sát đề án của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 đưa toàn bộ nhà kính, nhà lưới ra khỏi khu trung tâm thành phố.

Cần nghiêm túc xem lại quy hoạch Đà Lạt

Nhiều năm qua, các chuyên gia đều có chung đánh giá rằng, Đà Lạt có xu hướng phát triển thiếu bền vững bởi việc đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp. Mỗi khi mưa lớn kéo dài khiến dòng nước lũ từ trên cao đổ xuống vùng trũng quá nhanh, gây ngập và sạt lở.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn, Đà Lạt thời gian qua triển khai công tác quy hoạch chưa tốt. Bằng chứng là các nhà kính phát triển ồ ạt, gây áp lực lớn cho hạ tầng, ngăn thoát nước, gây ngập khi mưa lớn kéo dài. Không những vậy, Đà Lạt đang thiếu không gian xanh, thiếu không gian chứa nước.

Từ thực tế nêu trên, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi triển khai các đồ án quy hoạch và phát triển, cơ quan quản lí Nhà nước tại Đà Lạt cần phải tính toán để làm sao nước có nơi thoát nếu trời mưa lớn. Đặc biệt tại các khu vực trung tâm đã bị bêtông hóa cao. Cụ thể, địa phương có thể xây hồ điều tiết, kênh, rạch. Những nơi này sẽ có vai trò chứa và thoát nước mưa…

“Tỉnh Lâm Đồng nên xem xét đánh giá lại tác động môi trường của việc quy hoạch chi tiết, cho dù quy hoạch đã được phê duyệt. Từ đó, tìm được nguyên nhân gây ngập để điều chỉnh, hoàn thiện, phát triển bền vững” - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, địa phương sẽ khẩn trương nạo vét các lòng hồ, suối, khe trên địa bàn để đảm bảo thông suốt trong quá trình thoát nước mưa.

Trong đó, sẽ khảo sát nạo vét lại hồ Mê Linh để thu bớt nước và điều tiết nước lúc trời mưa to. Mở rộng một số khe, suối; nạo vét lại Hồ Than Thở. Đặc biệt tạm dừng toàn bộ các công trình không đảm bảo an toàn lao động, các công trình chưa hoàn thiện giấy phép xây dựng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn