MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 9 - 10% (ảnh Nhật Hồ)

Bất chấp dịch bệnh, Bạc Liêu vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 9 -10%

NHẬT HỒ LDO | 07/12/2020 19:07
Dù còn khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 9 – 10%. Để đạt được điều này trong bối cảnh hiện tại là điều không dễ. Dù vậy, tỉnh Bạc Liêu quyết tâm thực hiện ngay năm đầu tiên thực hiện nhiệm kỳ 2021 -2026.

Tăng trưởng TOP đầu của ĐBSCL

Theo báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 được trình bày tại HĐND tỉnh Bạc Liêu ngày 7.12, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, song với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương đã tạo điều kiện cho các hoạt động KT-XH của tỉnh phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển KT-XH.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam phát biểu khai mạc kỳ họp (ảnh Nhật Hồ)

Có 16/20 chỉ tiêu phát triển KT-XH đạt và vượt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 4,04% (mức tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2016 - 2020 và đứng thứ 5 trong khu vực); tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 54,37 triệu đồng/người/năm.

Các đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu thảo luận thống nhất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội (ảnh Nhật Hồ)

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Tăng trưởng kinh tế của 4 năm đầu nhiệm kỳ có sự bứt phá mạnh, liên tục, năm sau cao hơn năm trước và luôn nằm trong tốp 3 của vùng ĐBSCL, với mức tăng bình quân qua 04 năm đạt gần 8%/năm.

Mô hình lúa tôm tại Bạc Liêu được cho là phát triển bền vững (ảnh Nhật Hồ)

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng: Khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 40,63%, công nghiệp - xây dựng chiếm 20,34% và dịch vụ chiếm 34,11%. GRDP bình quân đầu người đến nay đạt 54,37 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 5 năm 2016-2020 (chỉ tiêu 54,36 triệu đồng/người).

Các giải pháp để có mức tăng trưởng 9 - 10% vào năm 2021

Để có được con số tăng trưởng này, tỉnh Bạc Liêu đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy nhanh các dự án động lực, phát triển bền vững công nghiệp, nhất là năng lượng, khôi phục nhanh và bền vững ngành du lịch, dịch vụ…

Thảo luận tại hội trường, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Bạc Liêu đề nghị cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi tôm.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp liên quan đến năng lượng tại Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sạch, hữu cơ; tiếp tục phát triển các đối tượng chủ lực tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể... Ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC, hữu cơ...) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo các thông số kỹ thuật của tôm xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch hộ nuôi, ao nuôi, vùng nuôi. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân; tổ chức sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, theo chuỗi giá trị khép kín, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn