MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp trây ỳ, ngó lơ khoản tiền BHXH nhiều năm. Ảnh: Thùy Trang

Bất chấp tiền phạt, thanh tra, nhiều doanh nghiệp ngó lơ trách nhiệm đóng BHXH

Thùy Trang LDO | 15/11/2023 11:00

Nhiều doanh nghiệp để chậm đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) kéo dài do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Dù phải làm cam kết bằng văn bản, bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng một số đơn vị vẫn tái diễn việc chậm đóng.

Xử phạt nặng doanh nghiệp nợ đóng kéo dài

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH, BHYT đối với Công ty TNHH Phước Minh Nghĩa, địa chỉ trụ sở chính tại Thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng với số tiền phạt lên tới hơn 200 triệu đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH Phước Minh Nghĩa đã chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) số tiền 133.211.062 đồng; không đóng BHXH, BHTN cho 83 người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN. Trong đó, đơn vị chưa đóng cho 72 lao động số tiền hơn 1 tỉ đồng, đóng thiếu thời gian cho 11 lao động vẫn còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 89 triệu đồng; đóng BHYT không đủ số người bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động đối với 83 người lao động (72 người chưa đóng, 11 người đóng thiếu thời gian). Tổng mức xử phạt cho những hành vi trên là hơn 200 triệu đồng.

Nếu doanh nghiệp này không thực hiện thì theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của công ty để nộp số tiền chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (0,3%/năm) vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, trao đổi về việc cưỡng chế với các đơn vị chậm đóng, bị xử phạt thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tiết - Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng - cho biết: “Về các giải pháp đôn thúc các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, đơn vị đã làm hết mọi việc trong khả năng và quy định của pháp luật, thanh tra, xử phạt đều đã có. Ngay cả ngân hàng cũng chấp nhận cho BHXH cưỡng chế bằng cách thông tin về các doanh nghiệp chậm đóng. Nhưng thực tế hầu hết các ngân hàng đều báo số dư tài khoản doanh nghiệp là 0”. Do đó, đến nay việc cưỡng chế tài khoản vẫn chưa có hiệu quả, cũng chẳng răn đe được doanh nghiệp!

Doanh nghiệp “ngó lơ” số tiền chậm đóng

Được biết, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay khoảng 221,577 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi chậm đóng).

Bên cạnh khó khăn khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19, BHXH TP Đà Nẵng cho biết, việc chậm đóng còn do ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Dù cam kết bằng văn bản, đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng các đơn vị này vẫn tái diễn việc chậm đóng.

Điển hình có thể kể đến như Chi nhánh II - Công ty CP công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng đã nhiều lần bị thanh tra. Năm 2020, doanh nghiệp chậm đóng tổng cộng 3,095 tỉ đồng, xử phạt 150 triệu đồng, đến nay chưa nộp, số tiền chậm đóng tiếp tục tăng lên 11,388 tỉ đồng (bao gồm lãi chậm đóng 2,679 tỉ đồng). Đến tháng 11.2023, doanh nghiệp hiện còn đang nợ nhiều lao động lương từ tháng 5.2023. Nhiều lao động quá bức xúc đã xin nghỉ việc.

Anh Nguyễn V - nhân viên lái xe từng làm việc tại đây - cho hay: “Những nhân viên còn đang làm việc thì có thể đã nhận được lương tháng 5 nhưng chúng tôi nghỉ việc từ tháng 9 thì mới được nhận lương tháng 4.2023. Nhiều lao động trước đó nghỉ hưu đến nay vẫn chưa nhận được chế độ gì, nghỉ việc cũng không có BHTN, đi khám bệnh cũng tự bỏ tiền ra”.

Về giải pháp trong thời gian tới, BHXH TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị cũng sẽ tăng cường công tác theo dõi, thực hiện mở thủ tục phá sản đối với các đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn, thời gian kéo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn