MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia bắt đầu “khám - chữa bệnh” cho rừng Xích Tùng cổ Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Bắt đầu “khám - chữa bệnh” cho rừng Xích Tùng cổ Yên Tử

Nguyễn Hùng LDO | 17/12/2019 15:03
Sáng 16.12, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới chính thức “khám - chữa bệnh” cho 233 cây Xích Tùng cổ hơn 700 tuổi trên núi Yên Tử. Đây là một phần quan trọng của Dự án “Chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ” tại Rừng quốc gia Yên Tử.

Như báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về việc rừng Xích Tùng cổ 700 tuổi trên Yên Tử chết dần chết mòn từ lâu do tuổi cao, lại bị sâu bệnh, thời tiết tấn công. Chỉ trong vòng vài năm gần đây, đã có khoảng 20 cây chết, hàng trăm cây còn lại đều bị “bệnh” nặng, như: Mục rỗng thân, gốc, cụt ngọn… Hiện, Yên Tử chỉ còn 233 cây Xích Tùng cổ quý hiếm.

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - cho biết, mỗi cây sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau, được các chuyên gia lâm nghiệp nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Theo ông Dương Tiến Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới, trước mắt, sẽ xử lý các phần gốc, thân, cành bị mục ruỗng và bơm thuốc đặc chủng để ngăn chặn sâu bọ, nước mưa tấn công.

“Phác đồ điều trị rất công phu, nhưng trong quá trình “khám - chữa bệnh”, chúng tôi có thể sẽ bổ sung thêm những phương án mới như: Truyền chất dinh dưỡng cho các cây Xích Tùng. 3 năm đầu vừa xử lý các vị trí bị mục ruỗng vừa chăm sóc để sức khỏe các “cụ” tốt lên” - ông Đức nói. “Trong thời gian này, dự án sẽ ươm giống và trồng dặm những cây Xích Tùng nhỏ. 2 năm tiếp theo là giai đoạn tráng phục. Với cách làm này, chúng tôi tin các “cụ” có thể sống thêm hàng trăm năm nữa” - ông Đức cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn