MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bát nháo đào tạo lái xe: Vô tư vào tập, gây tai nạn "tự chịu trách nhiệm"

Nhóm PV LDO | 21/03/2023 14:13
Sân tập lái xe tại trường Đại học Đông Đô không chỉ thu tiền thiếu minh bạch mà còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến công tác đào tạo lái xe. Thực trạng trên gây ra mối nguy hiểm khôn lường vì trong quá trình tập có thể phát sinh những vụ việc va chạm, thậm chí là tai nạn giao thông nghiêm trọng ngay trên sân tập xe.

LTS: Cả nước hiện có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm đào tạo lái ôtô. Tuy nhiên, trước tình trạng hoạt động bát nháo của một số trung tâm đào tạo lái xe, Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm xóa "điểm đen" trong đào tạo lái xe thông qua việc ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên cả nước. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải hoàn thành trước ngày 15.4.2023.

Thời gian qua, phóng viên Báo Lao Động đã ghi nhận nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố Hà Nội hoạt động bát nháo, có dấu hiệu vi phạm về công tác quản lý, gây mất trật tự an toàn giao thông. 

Loạt bài viết dưới đây góp thêm tiếng nói để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý những bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục. 

Thu tiền sân tập, không có hoá đơn chứng từ

This browser does not support the video element.

Video: Sân tập lái xe tại trường Đại học Đông Đô không chỉ thu tiền sai quy định mà còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến công tác đào tạo lái xe.

Ô đất rộng 33.554 m2 của trường Đại học Đông Đô thuộc Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Km25, Quốc lộ 6, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được cấp phép để thực hiện dự án đào tạo lái xe; dạy nghề sửa chữa cơ khí bảo dưỡng ôtô và vận hành công trình máy.

Tuy nhiên, trường Đại học Đông Đô lại cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Trường An Sinh (Công ty Cổ phần Trường An Sinh) đứng ra thuê sân bãi với nhà trường để làm nơi dạy thực hành lái xe. Mỗi ngày, trung tâm lái xe này luôn tấp nập học viên đến đăng ký học, tập lái và chuẩn bị cho các kỳ thi sát hạch.

Sân tập ở đây có các hạng mục dành cho bãi tập lái xe như lên dốc, xuống dốc, ghép ngang, ghép dọc, đường bê tông, cọc biển báo, lề đường, sa hình đường quanh co, dốc tập đề-pa...

Theo ghi nhận, cơ sở thu 80.000 đồng/lượt đối với mỗi ca bổ túc nâng cao tay lái. Số tiền này đưa trực tiếp cho bảo vệ, không có hoá đơn, chứng từ và vé xe. 

Theo người dân xã Phú Nghĩa, mỗi ngày có tới vài chục lượt xe ra vào bãi xe học lái, cao điểm có tới hàng trăm lượt xe học lái. Từ con số đó, nhẩm tính, hàng tháng, chủ cơ sở thu lợi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ hoạt động cho thuê bãi tập xe.

Bảo vệ thu 80.000 đồng/lượt đối với mỗi ca bổ túc nâng cao tay lái. Số tiền này do bảo vệ trực tiếp thu, không có hoá đơn chứng từ. Ảnh: PV 

Gây tai nạn tự chịu trách nhiệm

Không chỉ thu tiền thiếu minh bạch, sân tập ở đây còn không đủ các điều kiện về an toàn giao thông. Theo quan sát của nhóm phóng viên, ngay từ cổng vào, "chào đón" chúng tôi là hai dãy xe bồn và đầu kéo dày đặc. Bên trong chính giữa sân tập cũng có hàng trăm xe bồn, xe đầu kéo đỗ tràn lan, gây mất an toàn giao thông. 

Tại thời điểm chúng tôi ghi nhận, có hàng chục xe không phù hiệu đang tập lái và hàng chục học viên khác đang đợi tới lượt học sa hình. Sân rất nhiều người đến thuê xe tập lái, trong đó có nhiều nhóm cùng thuê xe để tập lái chung; nhiều thời điểm không có bóng dáng của thầy dạy lái xe.

Một giáo viên dạy lái xe tên C ngồi trong căng tin cho biết, anh cho học viên của mình tự lái trên sa hình vì đã "lái cứng".

Theo anh C, mỗi lần học lái xe tại sân tập này, học viên phải bỏ ra 80.000 đồng tiền sân. Với số tiền này, nam giáo viên khẳng định: "Xăng xe học viên tự chi, xảy ra tai nạn, học viên tự chịu; không may đâm đụng vào các xe khác, học viên tự đền. Còn nếu có giáo viên thì học viên phải chi 300.000 đồng/lượt với học viên học lái bằng B1 và 250.000 đồng/lượt với bằng B2".

Xe bồn, xe đầu kéo đỗ tràn lan trong sân tập lái xe; nhiều xe không có phù hiệu, biển tập lái vẫn tự do tập trong sân. Ảnh: PV 

Thực trạng nêu trên là mối nguy hiểm khôn lường vì trong quá trình tập có thể phát sinh những vụ việc va chạm, thậm chí là tai nạn giao thông nghiêm trọng ngay trên sân tập xe.

Đặc biệt, theo Thông tư 58/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết về tiêu chuẩn của sân tập lái chỉ được phép đưa vào khai thác sử dụng khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như đất thuộc quyền sử dụng của cơ sở đào tạo lái xe, nếu thuê sân tập lái phải có hợp đồng với thời hạn bằng hoặc dài hơn thời hạn của giấy phép đào tạo lái xe;

Sân tập lái ôtô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; có diện tích dành cho cây xanh; nhà chờ có ghế ngồi cho học viên học thực hành...

Đối chiếu với quy định trên, có thể thấy, sân tập lái tại trường Đại học Đông Đô khó đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Thông tư 58/2015.

Cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe

"Thực tế, trong quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, vẫn có một số khâu bị buông lỏng. Chẳng hạn, dư luận từng nhiều lần bức xúc bởi khâu tiếp nhận hồ sơ đào tạo. Ở một số nơi, người học chỉ cần nộp CMND/CCCD và ảnh thì sẽ có người "bao" các khâu còn lại như khám sức khỏe, nộp hồ sơ, một số sân tập không đủ điều kiện an toàn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe là động thái tích cực, song cần những giải pháp từ gốc" - chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn