MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bát nháo dịch vụ xe cấp cứu, trách nhiệm thuộc về ai?

Nhóm PV LDO | 25/02/2022 16:02

Hà Nội - Hiện nay, chưa có quy định áp dụng chung đối với dịch vụ xe cấp cứu khiến gia đình bệnh nhân gặp không ít khó khăn. Nhiều người đặt ra câu hỏi, tình trạng loạn giá dịch vụ xe cấp cứu, trách nhiệm thuộc về ai?

Ép" bệnh nhân sử dụng dịch vụ xe cấp cứu?

Như đã đưa tin, nhiều người nhà bệnh nhân phản ánh giá dịch vụ xe cấp cứu ở Hà Nội không thống nhất. Các nhà xe có dấu hiệu “lạm thu” khiến gia đình bệnh nhân gặp không ít khó khăn.

Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên Báo Lao Động tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), ông N.T.T đứng trước lối vào Khoa cấp cứu (cổng số 1, phố Phủ Doãn) để chờ xe cứu thương đưa ông và con trai bị tai nạn giao thông trở về Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Được biết, sau khi được xuất viện, ông T dự định đưa con về bằng taxi với quãng đường khoảng 50km (với mức giá 600.000 đồng) để tiết kiệm chi phí nhưng ông buộc phải sử dụng xe cứu thương với mức giá 2 triệu đồng.

"Con trai tôi bị tai nạn giao thông, tụ máu ở não đã điều trị tại BV Việt Đức. Tuy nhiên, đến khi được xuất viện, phía bệnh viện yêu cầu sử dụng xe cứu thương (Trung tâm cấp cứu  vận chuyển người bệnh Bắc Việt) trở về với mức giá 1,7 triệu đồng tiền xe và 300 nghìn đồng phụ phí cho nhân viên y tế đi cùng. Gia đình tôi muốn đi xe taxi với giá 600 nghìn đồng nhưng bác sĩ không đồng ý vì bệnh viện đã sắp xếp", ông T chia sẻ.

Theo yêu cầu trong quá trình di chuyển từ BV Việt Đức trở về nhà phải có nhân viên y tế đi cùng do sức khoẻ bệnh nhân yếu. Tuy nhiên, khi gia đình xin được tiếp tục điều trị tại bệnh viện, bác sĩ không đồng ý, người nhà bệnh nhân nói thêm.

This browser does not support the video element.

Người dân "còng lưng" gánh phí dịch vụ xe cấp cứu ở Hà Nội. Video: Nhóm PV Lao Động.

Liên quan đến nghi vấn, liệu có hay không sự móc nối giữa bệnh viện và đơn vị cung cấp dịch vụ xe cứu thương để ép gia đình bệnh nhân sử dụng dịch vụ xe cứu thương, ông Nguyễn Trọng Sơn (Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Việt Đức) khẳng định: "Trong quy chế của Bộ y tế không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc yêu cầu sử dụng xe cứu thương đối với bệnh nhân sau khi điều trị, được xuất viện".

"BV Việt Đức không có chủ trương, yêu cầu bệnh nhân sử dụng xe của bệnh viện hay bất cứ loại xe nào. Bệnh viện chỉ có thể hướng dẫn, tư vấn cho người nhà bệnh nhân trong một số trường hợp đặc biệt" - ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng về đến vấn đề này, trao đổi với Lao Động, một nhân viên phòng Công tác xã hội (BV Việt Đức) cho biết, bệnh viện và hãng xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu vận chuyển người bệnh Bắc Việt (Bắc Việt) có ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng, quyền lợi của Bắc Việt là xe cứu thương được vào trong khuôn viên bệnh viện và hỗ trợ bệnh nhân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ xe thuận tiện. Về mức giá dịch vụ sẽ do gia đình người bệnh và nhà xe thống nhất.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi được hỏi vì sao bệnh viện ký kết hợp đồng với Trung tâm cấp cứu vận chuyển người bệnh Bắc Việt, trong hợp đồng có bản giá niêm yết dịch vụ vận chuyển người bệnh hay không... đại diện bệnh viện từ chối trả lời với lý do "lãnh đạo đang cách ly, điều trị tại nhà do mắc COVID-19".

Trao đổi về trách nhiệm và khắc phục tình trạng loạn giá xe cứu thương, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: "Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần kết hợp để đưa ra một mức giá khung, mức giá ngạch đối với giá dịch vụ xe cấp cứu ngoài bệnh viện. Đồng thời, cơ quan quản lý tăng cường giám sát, thẩm định cơ sở khám chữa bệnh, xe cấp cứu có đảm bảo điều kiện khi lưu, cung cấp dịch vụ tránh xảy ra tình trạng xe trôi nổi, xe gắn chữ thập đỏ giả danh xe cứu thương để trục lợi. 

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng cho biết: “Đối với việc vận chuyển người bệnh ngoài bệnh viện, Trung tâm tính giá theo Quyết định số 45/2017/QĐ-UBDN. Cụ thể, khoảng cách 5-10km là 750.000 đồng, khoảng cách từ 11 - 20km là 830.000 đồng, khoảng cách từ 21 - 30km là 950.000 đồng, khoảng cách 31 - 50km là 1.150.000 đồng”.

Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 khẳng định, mỗi chuyến xe vận chuyển bệnh nhân gồm có 3 người, trong đó có lái xe, điều dưỡng và y bác sĩ. Ngoài giá được tính theo số kilomet niêm yết trên xe, trong quá trình vận chuyển bệnh nhân, trung tâm không thu thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào.

Có thể thấy, cùng 1 khoảng cách nhưng giữa mức giá người nhà bệnh nhân phải chi trả (2 triệu đồng) so với mức giá của Trung tâm Cấp cứu 115 với được UBND TP. Hà Nội quy định (1,150 triệu đồng) chênh lệch cao. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn