MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy giết mổ gia súc vẫn đang "trơ khung" và chưa biết đến khi nào mới đưa vào hoạt động.

Bất nhất quy hoạch nhà máy giết mổ, dân "dài cổ" chờ thịt sạch

Nhóm PV LDO | 12/09/2022 15:49

TPHCM - Trong khi các lò mổ lậu đang hoạt động nhiều nơi, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (đã từng được Báo Lao Động đề cập trong loạt bài điều tra nhiều kỳ “Thâm nhập đường dây cung cấp thịt heo bẩn lớn nhất phía Nam”), thì dự án Nhà máy giết mổ gia súc tập trung với quy mô lớn nhất TPHCM được UBND TPHCM duyệt năm 2017 vẫn “án binh bất động” và chưa biết đến khi nào mới đưa vào hoạt động để người dân được sử dụng thịt sạch.

Xây lò mổ tập trung, xóa bỏ lò mổ thủ công

Năm 2016, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 2032/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thanh phố giai đoạn 2016 -2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, Thành phố sẽ xây dựng các Nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung theo hướng hiện đại, với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nhằm quản lý và ngăn ngừa có hiệu quả việc lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả trong ngành chăn nuôi, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn Thành phố.

Theo kế hoạch sau khi hoàn thành, các lò mổ thủ công sẽ được đưa vào Nhà máy giết mổ gia súc tập trung xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

Mục tiêu thành phố đề ra là đến năm 2019, đưa vào hoạt động một số nhà máy giết mổ tập trung, trong đó có Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi với công suất giết mổ 3.000 con/ngày. Đây được xem là nhà máy giết mổ có quy mô lớn nhất TPHCM với công nghệ theo tiêu chuẩn Châu Âu tiên tiến nhất hiện nay.

Đến năm 2019, sau khi Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi và một số nhà máy khác như nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng, Nhà máy giết mổ Lộc An,...  đi vào hoạt động, thì các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải ngưng hoạt động và di dời vào các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung nêu trên.

 Đầu tư hàng trăm tỉ đồng rồi "án binh bất động"

 Nhiều năm qua dự án Nhà máy giết mổ gia súc tập trung này vẫn "án binh bất động".

Mục tiêu Thành phố đặt ra là như vậy, tuy nhiên đến thời điểm này đã gần cuối năm 2022, nhưng dự án Nhà máy giết mổ gia súc tập trung xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi vẫn "án binh bất động".

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngày 27.7.2017, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 3994 – Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) thực hiện dự án đầu tư Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi). Mục tiêu hoạt động dự án là giết mổ gia sức, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân Thành phố với công suất 3.000 con heo/ngày.

Diện tích mặt đất được cấp hơn 32.000m2, tổng vốn đầu tư dự án là 236.970.000.000 đồng. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày Quyết định chủ trương đầu tư dự án. Thời gian dự kiến đưa vào hoạt động nhà máy này là năm 2019, cung cấp ra thị trường hơn 3.000 con heo mảnh/ngày.

Thế nhưng sau khi xây dựng một số hạng mục, cơ cở hạ tầng và công trình giao thông đạt hơn 50% khối lượng công việc, thì dự án dừng và “án binh bất động” vì vướng công tác quy hoạch.

Trong khi hàng triệu người dân TPHCM đang có nguy cơ ăn phải thịt bẩn từ các lò mổ lậu (đã từng được Báo Lao Động phản ánh trong tuyến bài điều tra nhiều kỳ “Thâm nhập đường dây cung cấp thịt heo bẩn lớn nhất phía Nam”, thì dự án quy mô với nguồn cung thịt sạch lớn cho người dân thành phố vẫn đang nằm 'trơ khung".

Chậm triển khai do không thống nhất điều chỉnh quy hoạch

Bên trong nhà máy vẫn đang "trơ khung" và gỉ sét 

Việc chậm triển khai dự án Nhà máy giết mổ gia súc có quy mô lớn nhất TPHCM nêu trên, có nguyên nhân từ việc chủ đầu tư kiến nghị điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi nằm kế bên nhà máy.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3994/QĐ-UBND với quy mô diện tích 30.349.9 m2. Ngoài 30.349,9 m2 đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nêu trên, UBND huyện Củ Chi đã có văn bản số 3029/UBND-QLĐT ngày 22.3.2017 thống nhất chủ trương cho Nhà máy mở rộng diện tích thêm 12.990,6m2 để làm cây xanh cách ly.

Tại công văn số 05/AH -2019 của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, công ty đề nghị giảm kích thước chiều ngang, tăng kích thước chiều dài của xưởng pha lóc, chế biến (diện tích nhà xưởng không thay đổi) để bố trí khoảng cây xanh cách ly và vẫn đảm bảo diện tích cây xanh là 14.152,68m2. Đồng thời, tăng diện tích cây xanh cách ly về phía bệnh viện Xuyên Á, các nội dung khác không thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

 Dự án Nhà máy giết mổ hiện đại với hàng trăm tỉ đồng nhưng bỏ không nhiều năm, trong khi các lò mổ lậu tràn lan đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xoay quanh nội dung đề xuất của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ được nêu trên, tại công văn số 4425/STNMT-CCBVMT của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã chấp thuận đề xuất này.

Tuy nhiên, trong công văn số 4866/SQHKT-QHKV2 ngày 21.10.2019 gửi UBND huyện Củ Chi, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng: Việc giữ chức năng cây xanh cách ly đối với ô phố ký hiệu II.35 theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi đã được duyệt là cần thiết nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế mức độ ảnh hưởng của nhà máy giết mổ, xử lý sản phẩm từ gia súc đối với môi trường xung quanh.

Việc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ kiến nghị điều chỉnh cục bộ khu đất ký hiệu II.35 thuộc Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu dân cư xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi để đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy nhằm bố trí xưởng pha lóc, đóng gói, chế biến (đất xây dựng nhà máy) thay vì bố trí cây xanh cách ly theo quy hoạch được duyệt là không có cơ sở xem xét.

Chính vì sự không thống nhất trong điều chỉnh quy hoạch nhà máy giữa các đơn vị có liên quan, dẫn đến nhà máy chậm hoàn thành và người dân chưa biết đến khi nào mới sử dụng được thịt sạch từ nhà máy có công nghệ giết mổ hiện đại nhất nước này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn